60.000 tỷ cho vay lâm, thủy sản và động lực tăng trưởng tín dụng
Quy mô gói tín dụng cho vay lâm, thủy sản không ngừng tăng trưởng, từ mức 15.000 tỷ đồng, lên 30.000 tỷ đồng và hiện nay là 60.000 tỷ đồng.
Chương trình tín dụng đối với lâm sản, thủy sản được tổ chức triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản về vốn, về lãi suất để tăng trưởng và phát triển. Đây là chủ trương trúng, đúng và phù hợp với thực tế.
Thông qua gói tín dụng ưu đãi lãi suất (thấp hơn mức cho vay bình quân cùng kỳ hạn từ 1-2%/năm), doanh nghiệp, hộ sản xuất thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, chi phí vay vốn thấp, từ đó mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển.
Các kết quả quan trọng mà gói tín dụng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản đạt được là thực tế minh chứng cho ý nghĩa của chương trình và phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp của Ngân hàng Trung ương để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.
Hơn thế, kết quả này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng quy mô gói tín dụng, tiếp tục tạo điều kiện cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm.
Qua việc triển khai gói tín dụng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản có thể thấy một số nét chính nổi bật như sau:
Quy mô gắn với hiệu quả: Gói tín dụng được triển khai thực hiện đã mang lại lợi ích chung. Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, kích thích sản xuất và trở thành động lực thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng, thông qua khai thác tốt lợi thế sản xuất chế biến sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Quá trình này, đồng thời cũng tạo điều kiện cho chính các tổ chức tín dụng (TCTD) đăng ký gói mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Với ý nghĩa đó, quy mô gói tín dụng không ngừng tăng trưởng, từ mức 15.000 tỷ đồng, lên 30.000 tỷ đồng và hiện nay là 60.000 tỷ đồng.
Khai thác và sử dụng vốn hiệu quả: Lĩnh vực lâm sản, thủy sản là lĩnh vực sản xuất, chế biến, với sản phẩm có giá trị xuất khẩu và lợi thế quốc gia. Vì vậy, khi thị trường thuận lợi và tăng trưởng thì các khoản tín dụng không chỉ đảm bảo khả năng trả nợ mà còn còn phát huy hiệu quả sử dụng vốn, chu chuyển vốn trong lĩnh vực này tốt, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là yếu tố động lực thúc đẩy quy mô gói và đạt được mục tiêu đề ra, đó là hỗ trợ và thúc đẩy lĩnh vực lâm sản, thủy sản tăng trưởng.
Giải ngân tích cực: Thể hiện qua sự tăng trưởng của quy mô gói, gắn liền kết quả giải ngân gói và hành động trách nhiệm của các TCTD tham gia gói.
Ví như, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (lĩnh vực hoạt động lâm sản, thủy sản tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong GRDP) song kết quả giải ngân vẫn được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực lâm sản thủy sản, mang lại kết quả tích cực, nhất là khu vực quận, huyện ngoại thành và khu vực biển Cần Giờ với nhiều hộ gia định nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp chế biến. Theo đó, đến nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, doanh số giải ngân đạt 3.041 tỷ đồng, với 2.021 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó giải ngân lĩnh vực thủy sản chiếm trên 90% tổng doanh số cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ gói tín dụng này.
Những kết quả quan trọng cũng chính là động lực để các TCTD mở rộng quy mô gói, hỗ trợ cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản tăng trưởng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Chứng khoán Vietcap, dựa trên ước tính từ dữ liệu của AgroMonitor, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 11% đạt 502 triệu USD trong quý II/2024. Giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 cũng tăng 8% đạt 1,6 tỷ USD.
VASEP dự báo xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ khi các nhà kinh doanh thực phẩm tại các thị trường trọng điểm này đang tăng cường dự trữ cho mùa lễ hội vào cuối quý III và quý II.
Nhận định về triển vọng thủy sản cuối năm, theo Vietcap, nhiều thị trường tiêu thụ thủy sản cải thiện chi tiêu và bước vào mùa lễ hội, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Còn theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), Gỗ và Thủy sản, Dệt May là những ngành hàng xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi, tăng trưởng những tháng cuối năm. 7 tháng đầu năm 2024 (7T2024) và đạt được mức tăng trưởng so với mức nền thấp cùng kỳ: Gỗ & các sản phẩm từ gỗ (+23,5% yoy); Dệt may (+6,3% yoy); Thủy sản (+8,0% yoy). "Bước sang các tháng cuối năm 2024, kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi nhờ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Trung Quốc có các tín hiệu khả quan hơn. Các nhóm ngành hàng xuất khẩu tiềm năng phục hồi có thể kể đến như: Gỗ & các sản phẩm từ gỗ, Thủy sản, Dệt may", Agriseco Research nhận định.
Sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ, sẽ dẫn đến các đơn hàng của các nhà cung cấp sản phẩm tăng cao. Đây cũng là động lực hấp thụ vốn của nhóm lâm, thủy sản và là đòn bẩy cho việc giải ngân gói "đo ni đóng giày" 2 ngành hiệu quả, qua đó đóng góp vào cuộc đua đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cuối năm. (L.M)