Hà Nội: Sôi động thị trường chuyển nhượng căn hộ chung cư
Bất chấp tháng Ngâu, người dân Hà Nội vẫn tích cực mua nhà, với khoảng hơn 3.000 giao dịch trong tháng 8.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Thị trường và Am hiểu Khách hàng OneHousing, trong tháng 8 vừa qua, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận lượng giao dịch tương đối tốt.
Thị trường sôi động khu Đông và Tây
Theo đó, với 3.100 giao dịch chuyển nhượng, thị trường chứng kiến sự sụt giảm nhẹ 3% so với tháng 7, tuy nhiên vẫn tăng mạnh so với giai đoạn tháng 5 và tháng 6 (cao hơn 25%).
Trong đó, top 10 dự án có lượng chuyển nhượng cao nhất đạt khoảng 1.500 căn, chiếm 48% thị phần chuyển nhượng toàn Hà Nội trong tháng 8. Đáng chú ý, 8 trong số 10 dự án này nằm tại khu Đông và khu Tây Hà Nội.
Ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing nhận định: “Thị trường chuyển nhượng chung cư khá sôi động trong các tháng gần đây thể hiện nhu cầu khách hàng còn lớn đối với phân khúc sản phẩm này. Trong khi nguồn cung sơ cấp còn hạn chế và giá cao, nhiều khách hàng chuyển qua tìm kiếm các sản phẩm chung cư trên thị trường chuyển nhượng.
Các dự án có giao dịch chuyển nhượng tốt phần lớn đến từ khu Đông và khu Tây, là những khu vực có nguồn cung chung cư lớn. Dự báo trong thời gian tới, lượng giao dịch chuyển nhượng chung cư có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang trong tháng 9 - 10, trước khi tăng trở lại vào dịp cuối năm - thời điểm các giao dịch bất động sản diễn ra sôi động nhất”.
Căn hộ chung cư mở mới khan hiếm dần
Đại diện One Housing cho biết, thị trường Hà Nội đang ngày càng khan hiếm nguồn cung căn hộ mới dưới 50 triệu đồng/m2. Dự kiến tổng nguồn cung năm nay ở Hà Nội khoảng 22.000 căn hộ, trong khi theo Chi cục Dân số Hà Nội, mỗi năm Thủ đô có thêm 160.000 người, kéo theo nhu cầu nhà ở rất lớn.
Công ty này ước tính, mặt bằng giá căn hộ sơ cấp toàn thị trường Hà Nội bình quân đạt 65 triệu đồng/m2 trong quý 2/2024. Mức giá căn hộ tại khu Tây đang cao nhất với trung bình khoảng 70 triệu/m2, còn khu Đông thấp hơn ở mức khoảng 56 triệu đồng/m2.
Dữ liệu của CBRE cũng chỉ ra, trong quý 2 giá bán chung cư sơ cấp tại Hà Nội bình quân đã xấp xỉ 60 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT, phí bảo trì). Mức này đã tăng 6,5% theo năm và gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. CBRE cho biết, mặt bằng giá chung cư mới tại Hà Nội cũng chỉ còn kém TP HCM 3 triệu đồng/m2.
Lý giải thị trường chung cư sôi động trong tháng 7 âm lịch, vốn từng được coi là thời điểm chạm đáy của thị trường bất động sản, chuyên gia One Housing chỉ ra bên cạnh việc dự án mới không có nhiều, phân khúc chung cư đang ngày càng hút dòng đầu tư hơn.
Sau thời kỳ khủng hoảng của thị trường địa ốc, chung cư đang trở thành sản phẩm được ưa chuộng hơn bởi tính thanh khoản cao và giá đầu tư vẫn hợp lý. Ngoài ra, thị trường chung cư cũng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn khi sau các loại hình khác như đất nền, biệt thự, nhà liền kiền, bất động sản nghỉ dưỡng còn đối diện nhiều rủi ro về pháp lý.
Bàn về mức giá chung cư ngày càng cao, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở mới đã tạo hành lang pháp lý mới, loại bỏ các chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, buộc các chủ đầu tư còn lại trong “sân chơi” phải phát triển các đại đô thị đồng bộ hạ tầng, tiện ích, có sức lan tỏa lớn, đồng nghĩa với việc chi phí tăng cao, cũng khiến giá nhà khó hạ.
Đồng thời, việc thị trường chỉ còn lại các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, năng lực mạnh sẵn có hay có lợi thế tạo lập quỹ đất sẽ tiếp tục duy trì hiện tượng độc quyền nguồn cung, các chủ đầu tư lớn sẽ tiếp tục quyết định mức giá của thị trường, theo hướng cao hơn để tối đa hóa lợi nhuận. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.