Đảm bảo an toàn trong xu hướng ngân hàng mở
Trải nghiệm khách hàng được hầu hết các ngân hàng quan tâm, nhưng điều quan trọng là làm sao để cân đối được giữa dịch vụ thuận lợi với an ninh an toàn.
Chuyển biến tích cực
Hiện nay, ngân hàng mở (Open Banking) đang là một trong những xu hướng, động lực chính thúc đẩy sự thay đổi về cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong bối cảnh ngành ngân hàng đứng trước cuộc cách mạng số hóa toàn diện, ngân hàng chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3 để mang đến trải nghiệm mới mẻ, vượt trội cho khách hàng.
Khái niệm ngân hàng mở cũng được đề cập tại sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024 với chủ đề Sống Chill – Thanh toán chất. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hoá các mục tiêu Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công…
Theo thông tin của cơ quan quản lý, Việt Nam hiện có độ phủ sóng 4G là 99,8%, độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình đạt gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Trong đó, phần lớn người dân Việt Nam có thể sử dụng Internet, tiếp cận không gian số. Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng to lớn về việc mở rộng và phát triển hệ sinh thái số, chuyển đổi số.
Với sự gia tăng của công nghệ tài chính (Fintech) trong những năm gần đây đã tạo ra sân chơi mới, mô hình kinh doanh mới cũng những người chơi mới, phá vỡ vị thế “đóng” của các định chế tài chính truyền thống.
Đến nay, cả nước có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%”.
Như vậy, xu hướng tương lai của ngân hàng là công nghệ số với những ứng dụng trong phương thức thanh toán như Tap to Pay, Tap to Phone, thanh toán bằng mã QR, ví điện tử, thanh toán di động… cùng các công nghệ số như nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC),…
Đảm bảo an ninh an toàn
Được định danh là “những người bản địa của kỹ thuật số”, nhóm người tiêu dùng trẻ chính là nhân tố sẵn sàng tiếp cận những trải nghiệm thanh toán số, ngân hàng số và lựa chọn những phương thức phù hợp với bản thân.
Phát biểu tại sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước bày tỏ tin tưởng rằng, chương trình sẽ định hướng cho giới trẻ Việt Nam và các ngân hàng có một sân chơi trực tiếp, đa dạng để tiếp cận, đưa ra các trải nghiệm thực tế về hình thức thanh toán hiện đại, tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như: thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán không dây trong phạm vi ngắn – NFC (Near-Field Communications), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile banking,…
Tuy nhiên, bảo mật, an ninh an toàn thông tin tại ngân hàng cũng là vấn đề được nhiều khách hàng quan tâm trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ.
Ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ, theo số liệu tới giữa tháng 9/2024, số lượng sinh trắc học được thu thập là khoảng 38 triệu tài khoản và gần 4 triệu ví điện tử. Gần như các khách hàng thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch 20 triệu đồng/ngày đều đã được sinh trắc học để xác thực. Điều này góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận chuyển tiền vào các tài khoản mua bán, thuê, mượn của các đối tượng lừa đảo.
“Mặc dù vậy, việc thu thập kiểm tra sinh trắc học vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là với khách hàng không am hiểu công nghệ, vì vậy NHNN đã yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ khách hàng tại quầy hoặc bằng các phương pháp khác, nhưng phải đảm bảo an toàn thông tin”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Còn theo đại diện công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết thêm, hoạt động phát hành thẻ đã được triển khai trong hơn 20 năm vừa qua và đến nay, ngành ngân hàng cũng có bước chuyển đổi từ thẻ từ sàng thẻ chip (hơn 90%). Thực tế, trải nghiệm khách hàng là nội dung mà hầu hết các ngân hàng quan tâm, nhưng kèm theo đó là làm sao để cân đối được giữa dịch vụ thuận lợi với an ninh an toàn. Do đó, câu chuyện thẻ thanh toán chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đã có sự thay đổi lớn, giúp giao dịch nhanh chóng hơn và trên môi trường số, các giao dịch có rủi ro thấp cũng được tự động thanh toán ngay.
Trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam 2024 Ban tổ chức cũng công bố Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà là Đại sứ thương hiệu của Ngày Thẻ Việt Nam 2024, đồng thời sẽ có 6 hoạt động chính bao gồm: Họp báo công bố chuỗi sự kiện ngày 26/9; Chiến dịch Megasale Online (36/9 – 26/10); Hội thảo chuyên đề tại ngày (2/10); Hội thảo hướng nghiệp tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân (ngày 4/10); Sư kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival tại Sân vận động Bách Khoa (ngày 5-6/10).