Kinh tế địa phương

Bắc Ninh: Gặp khó khăn vướng mắc, doanh nghiệp yên tâm vì điều này

VŨ PHƯỜNG - KIM DUNG 26/09/2024 14:06

Để thuận lợi cho công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy trình, cơ chế riêng cho việc này.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành hướng dẫn số 343/HD-UBND ngày 25/9/2024 về việc Hướng dẫn quy trình, cơ chế giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư, kinh doanh liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (gọi chung là Đơn vị kinh doanh) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đây được coi là cách làm mới, mang tính sáng tạo và đột phá, thể hiện sự quyết tâm cao độ của Lãnh đạo tỉnh trong việc đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương và người đứng đầu các cơ quan này chủ động giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

TRao samsung
Theo Hướng dẫn số 343/HD-UBND, những khó khăn vướng mắc của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ có quy trình, cơ chế giải quyết cụ thể

Đo lường “KPI” cho cán bộ, công chức, viên chức

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, Bắc Ninh tiếp tục có những bước tăng trưởng tích cực về số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Đồng thời, tỉnh chứng kiến những đột phá mạnh mẽ trong thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án từ các tập đoàn lớn nước ngoài. Trong khi còn khoảng trống giữa chính sách và thực thi chính sách, dẫn tới tình trạng áp dụng gặp khó khăn, ảnh hưởng tới thời gian thực hiện các dự án.

Do đó, việc áp dụng quy trình, cơ chế giải quyết các vướng mắc này cho doanh nghiệp sẽ giúp khơi thông nguồn lực phát triển; đồng thời tạo chủ động của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, đây là tư duy mới, cần thiết, nhằm nâng cao trách nhiệm giải quyết hiệu quả đối với các hồ sơ, dự án gặp vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật đầu tư, kinh doanh liên quan đến đơn vị kinh doanh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; không cản trở, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình giải quyết, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống Nhân dân.

Ông Vương Quốc Tuấn cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát và lập chương trình công tác hàng tháng giải quyết các vụ việc vướng mắc của đơn vị kinh doanh. Đối với mỗi hồ sơ, dự án bị vướng mắc, các cơ quan cần xây dựng phương án cụ thể để giải quyết. Trong phương án, phải chỉ rõ sự cần thiết, mục đích, yêu cầu của việc tháo gỡ; các căn cứ, cơ sở pháp lý và thực tiễn; xác định rõ “nút thắt” để giải quyết được hồ sơ, dự án.

Khi giải quyết được hồ sơ, dự án đầu tư, kinh doanh sẽ đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, lợi ích xã hội, lợi ích của tổ chức kinh doanh. Trong quá trình xây dựng phương án, các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tùy theo nội dung đơn vị chủ trì xin ý kiến tham vấn của các Sở, ngành, UBND cấp huyện theo hình thức phù hợp hoặc thông qua các Tổ chuyên gia gỡ khó (đối với trường hợp các hồ sơ liên quan do Giám đốc Sở là Tổ trưởng) theo hình thức họp trực tiếp, xin ý kiến bằng văn bản…; thời gian xin ý kiến theo tính cấp bách của vụ việc hoặc thời gian theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

“Cán bộ có liên quan trong quá trình xây dựng phương án, đề xuất phải cam kết về sự liêm chính; không nhận quà, không chịu tác động trái pháp luật của tổ chức kinh doanh dưới bất cứ hình thức nào”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

_MGL2948 - Copy
Bắc Ninh luôn kịp thời biểu dương những cán bộ, công chức, viên chức tích cực, dám nghĩ, dám làm; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư (Hình minh họa – Vũ Phường)

Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Đánh giá về tính hiệu quả trong việc áp dụng quy trình, cơ chế để giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, ông Đinh Nam Thắng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh cho rằng, ngoài việc tăng tính chủ động cho các cơ quan quản lý nhà nước, những “tấm gương tiêu biểu” của cán bộ, công chức, viên chức tích cực, chủ động trong công việc cũng sẽ được “phát hiện”, “nhân rộng”. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh luôn có cơ chế biểu dương và sẵn sàng bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ.

5 bước giải quyết đối với hồ sơ, dự án gặp vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư, kinh doanh
Bước 1: Khi nhận thấy hồ sơ, dự án gặp vướng mắc, cán bộ thụ lý phải báo cáo Trưởng phòng; Trưởng Phòng báo cáo Giám đốc Sở, cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện; hình thức báo cáo, hồ sơ xác lập do thủ trưởng cơ quan quy định.
Bước 2: Xác định thẩm quyền giải quyết thuộc Cơ quan chủ trì hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh hoặc cấp cao hơn.
Bước 3:
a) Người đứng đầu cơ quan chủ trì rà soát và giải quyết theo thẩm quyền, kể cả trong trường hợp hồ sơ, dự án có vướng mắc cần xin ý kiến các ngành, đơn vị liên quan theo các quy định hiện hành để giải quyết theo phương án người đứng đầu lựa chọn.
b) Trong trường hợp hồ sơ phức tạp, người đứng đầu chưa lựa chọn được cách thức giải quyết tối ưu nhất, thì chỉ đạo xây dựng phương án giải quyết cho từng hồ sơ, dự án để thảo luận giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông qua Tổ chuyên gia gỡ khó.
c) Thời gian hoàn thành bước 1, 2, 3 không quá 12 ngày làm việc kể từ khi cán bộ tổng hợp hồ sơ, dự án vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật đầu tư, kinh doanh liên quan đến tổ chức kinh doanh hoặc tổ chức khác đề nghị.
Bước 4: Báo cáo cơ quan giải quyết thuộc thẩm quyền cho chủ trương giải quyết: Mỗi tháng 02 lần các cơ quan được giao chủ trì giải quyết báo cáo:
a) Trưởng Phòng báo cáo tập thể lãnh đạo cơ quan (Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh) hoặc giao ban của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND cấp huyện;
b) Thủ trưởng cơ quan chủ trì hoặc các Tổ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Bước 5:
a) Cơ quan chủ trì kết luận giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh kết quả.
b) Đối với đề xuất phương án giải quyết thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh, Cơ quan chủ trì hoặc thường trực Tổ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo họp Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp hoặc thảo luận tại phiên họp giao ban Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc phiên họp UBND tỉnh thường kỳ hàng tháng, để thống nhất phương án giải quyết.
Trường hợp nội dung giải quyết cần báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo quy định tại Quy chế làm việc số 09-QC/TU ngày 05/8/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, UBND tỉnh tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh có tờ trình/ báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định tại Quy chế làm việc nêu trên.
(Trích theo Hướng dẫn số 343/HD-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

VŨ PHƯỜNG - KIM DUNG