Vướng mắc ở doanh nghiệp spin-off
Sự phát triển của các DN khoa học và công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường đại học nói riêng và nền kinh tế VN nói chung.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu... (gọi là doanh nghiệp spin-off) còn chưa phổ biến, số lượng doanh nghiệp cũng không nhiều và chưa hiệu quả cao.
Nhận diện doanh nghiệp spin-off
Một số doanh nghiệp spin-off trong nước đã được thành lập và hoạt động như: Công ty Netnam, Công ty Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghệ và Thiết bị mỏ, Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm Nha Trang, Công ty TNHH Tư vấn đại học xây dựng, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội … Các doanh nghiệp này đều có điểm chung giống nhau là qui mô nhỏ và vừa; có đội ngũ nhân sự chất lượng cao là các nhà nghiên cứu đã và đang làm việc ở các viện, trường đại học.
Ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc Quỹ Đầu tư BK Funds – cho biết: Có rất nhiều trường đại học, nhất là các trường đại học khối kỹ thuật - công nghệ muốn hình thành các công ty khởi nguồn công nghệ vì họ có rất nhiều kết quả nghiên cứu. Để thương mại hóa những kết quả nghiên cứu đó, cách phổ biến mà nhiều trường đại học trên thế giới đang làm, chính là đưa những kết quả đó triển khai thành sản phẩm thương mại rồi góp vốn thành lập doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Hiện nay, một số trường đại học ở Việt Nam đã có những kết quả bước đầu để hình thành và ươm tạo nên những công ty spin-off.
Kinh nghiệm của Đại học Bách Khoa từ rất sớm đã tập trung vào việc nghiên cứu những khoa học công nghệ ứng dụng, nên nhiều kết quả nghiên cứu được thương mại hóa đưa ra thị trường và hợp tác với các công ty để hình thành doanh nghiệp. Bên cạnh sự ra đời của BK Holdings, Đại học Bách Khoa còn hình thành nhiều doanh nghiệp khác nữa, trong đó có cả công ty spinoff kinh doanh công nghệ. Cùng với đó, Đại học Bách khoa Hà Nội còn cho ra đời một số chương trình (như Lab2Market) để hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp sớm được ươm tạo theo mô hình công ty khởi nguồn công nghệ spin-off.
Hiện nay, ĐH Bách Khoa đã thu hút được sự hợp tác của các cựu sinh viên – là những doanh nhân tham gia Hội đồng trường, góp vốn hình thành quỹ đầu tư. Như vậy, trong trường Bách Khoa đã có sự đồng hành của cộng đồng doanh nhân và cùng tham gia đầu tư, ươm tạo, cố vấn hỗ trợ các công ty khởi nguồn công nghệ.
Hoạt động còn gặp khó khăn
Theo ông Phạm Tuấn Hiệp, hiện có nhiều trường đại học trong khối công nghệ muốn thành lập doanh nghiệp spin-off nhưng còn gặp nhiều khó khăn và rào cản.
Khó khăn thứ nhất liên quan đến vướng mắc về quy định về pháp lý. Nhiều đề tài nghiên cứu thực hiện bởi nhóm tác giả là viên chức nhà nước mà theo qui định viên chức nhà nước không được làm quản lý, giám đốc, hay chủ tịch HĐQT doanh nghiệp, trong khi mô hình spin off lại gắn với một nhóm tác giả nghiên cứu, là viên chức nhà nước.
Khó khăn thứ hai là có nhiều kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu của nhà trường hoặc sở hữu từ nguồn ngân sách nhà nước để hình thành những đề tài nghiên cứu. Vậy, ngoài những nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thì việc góp vốn và định giá thế nào thì hiện còn thiếu nhiều quy định chi tiết của luật.
Khó khăn thứ ba trở thành vướng mắc nhất, nằm ở yếu tố con người - đó là chính nhóm tác giả. Họ là những nhà nghiên cứu, sáng tạo ra các đề tài khoa học công nghệ nhưng để thương mại hóa các nghiên cứu đó, rồi thành lập nên công ty spin-off thì đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải có tinh thần doanh nhân, phải dám đương đầu với những thách thức và khó khăn của thị trường. Đằng sau câu chuyện vượt khó để sáng tạo khoa học công nghệ thì đây là một khó khăn.
Thêm nữa, nếu các trường, viện nghiên cứu để cho các nhà nghiên cứu, các tác giả muốn thành lập công ty spin-off bằng chính kết quả và khả năng tự thân của họ thì tỷ lệ thành công sẽ rất thấp.
Mô hình của nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới thì chính bản thân trường, viện phải có một hệ thống hỗ trợ, tài trợ, ươm tạo thì mới có tỷ lệ nhiều hơn hình thành các công ty spin-off nhiều hơn.
Hiện nay nhiều trường đại học của chúng ta còn đang thiếu nội dung này, phải có những cái bước đi đầu tiên để hình thành những công ty tư vấn hỗ trợ hoặc những công ty trung gian ươm tạo. Bản thân các trường cũng cần ban hành những chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoặc ban hành cơ chế hỗ trợ cho đội ngũ chuyên trách. Đây là những khó khăn rất phổ biến và điển hình giải thích tại sao hiện nay nhiều trường đại học mong muốn hình thành các công ty spin-of công nghệ nhưng còn đang ít về số lượng và yếu về chất lượng.