Đối ngoại

Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Cuba

Trương Khắc Trà 27/09/2024 09:50

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân tới Cuba được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa 2 nước.

vncuba240924.jpg
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân tới Cuba được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa 2 nước. Đơn vị tính: Triệu USD.

Nền tảng vững vàng

Tháng 12/1960, bối cảnh cách mạng giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin bước vào chặng nước rút, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Raul Garcia có cuộc gặp lịch sử, mở ra mối quan hệ Đông - Tây đặc sắc, điển hình cho phong trào vì hòa bình tiến bộ.

Kể từ đó, hai chính đảng cách mạng không ngừng hỗ trợ lẫn nhau, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giải phóng hai dân tộc, cùng tiến lên xây dựng đất nước trong một xu hướng chính trị có nhiều điểm cơ bản tương đồng.

Trước năm 1975, Cuba giúp đỡ Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ y tế. Mùa thu năm 1973, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm chiến trường Quảng Trị khi mảnh đất ác liệt này chưa hoàn toàn được giải phóng. Chủ tịch Cuba đã chuyển đến nhân dân Việt Nam món quà 5 công trình kinh tế-xã hội có giá trị vật chất rất lớn. Chuyến thăm này trở thành biểu tượng vĩ đại cho tình hữu nghị keo sơn, là hiện thân của tình đồng chí cùng chung một “chiến hào thời đại”.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng, đồng cảm, thấu hiểu.

Sau khi giành độc lập, từng bước ổn định phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam thường xuyên viện trợ, hỗ trợ Cuba trong công tác đảm bảo an ninh lương thực, hiện đại hóa cơ sở vật chất giáo dục đào tạo. Đồng thời, với vị thế quốc tế ngày càng tăng, Việt Nam tích cực vận động các quốc gia trên thế giới kêu gọi Mỹ bỏ bao vây cấm vận đối với Cuba.

Với nghĩa tình sâu sắc, gần 7 thập kỷ qua, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam trong tất cả các nhiệm kỳ đều xem Cuba là một trong những điểm đến hàng đầu trong các chuyến công du nước ngoài. “Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về tình hình mỗi nước và thúc đẩy các cơ chế quan hệ một cách toàn diện, tạo thành cột mốc mới trong quan hệ song phương, mở ra một giai đoạn mới”, TS Ruvislei González Sáez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, kỳ vọng.

270920240706-le-don-270924-3.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm giới thiệu với Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez các thành viên Đoàn cấp cao Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Hiện đại hóa quan hệ truyền thống

Mỗi thời kỳ lịch sử luôn luôn được đại diện bởi những xu hướng khác nhau. Ngày nay, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân là dòng chảy chủ đạo. Việt Nam và Cuba cũng xem đây là sợi dây thời đại để giữ gìn, phát triển mối quan hệ, qua đó là cầu nối để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Việt Nam là đối tác thương mại châu Á lớn thứ 2 với Cuba và là nhà đầu tư lớn nhất ở Cuba đến từ châu Á. Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu giữa 2 nước là nông sản, năng lượng, y tế. Tuy vậy, khối lượng trao đổi hàng hóa, kênh giao thương chưa tương xứng với truyền thống ngoại giao đầm ấm.

Kỳ vọng chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, mà còn mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác với những kết quả kinh tế thiết thực và bền vững hơn.

hoi-dam-270924-1.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez. (Ảnh: TTXVN)

Theo Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long, để tiếp tục thúc đẩy hợp đầu tư, thương mại, hai bên cần tranh thủ tối đa Hiệp định thương mại Việt Nam-Cuba có hiệu lực từ tháng 4/2020 để đưa hàng hoá hai nước thâm nhập thị trường của nhau; tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua các hội chợ, triển lãm và diễn đàn đầu tư để kết nối các doanh nghiệp, quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp ở các địa phương hai nước trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác, từng bước tìm ra cơ chế, cách thức hợp tác thực sự hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên và thế mạnh của mỗi nước trên cơ sở điều kiện, khả năng và cơ chế đặc thù của mỗi bên.

Một trong những vấn đề cần đả thông là mở con đường cái quan đến với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Cuba, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam dễ dàng tiếp cận với văn hóa, thị hiếu tiêu dùng vùng Trung Mỹ. Ngược lại, nền công nghiệp y - sinh học Cuba vốn dĩ rất tiên tiến.

Hiện có 7 dự án do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại đặc khu kinh tế Mariel. Sau chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều dự án mới ra đời, tạo ra hiệu ứng tích cực hơn nữa, góp phần nâng tầm sự hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nền kinh tế trong giai đoạn mới.

Trương Khắc Trà