Nhật Bản khủng hoảng thiếu gạo vì đâu?
Thiếu hụt gạo là tình trạng rất đáng lưu ý, vì những món ăn "quốc hồn quốc túy" của Nhật Bản như sushi, onigiri và yakitori don đều làm từ gạo.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi tuần trước cho biết: “Trong suốt mùa hè năm 2024, Nhật Bản đã phải vật lộn với tình trạng thiếu gạo ăn dẫn đến việc siêu thị thường hết hàng do nhu cầu vượt quá sản lượng sản xuất, khiến lượng dự trữ gạo của họ giảm xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua.”
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy Sản Nhật Bản (MFAA), tồn kho gạo tư nhân là 1,56 triệu tấn trong tháng 6, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Trong tháng 8, các siêu thị Nhật Bản thường xuyên hết gạo. Các cửa hàng giới hạn mỗi người chỉ được mua một túi gạo một lần. Cầu vượt cung cũng khiến giá gạo ở Nhật Bản tăng 3% trong tháng 8, ở mốc 16.133 yên/60 kg, tương đương tăng 5% kể từ đầu năm 2024.
Có hai nguyên nhân dẫn đến xu hướng này. Thứ nhất là vì nhiều người tiêu dùng tăng cường mua gạo dự trữ nhằm chuẩn bị cho mùa mưa bão và thiên tai sắp tới. Thứ hai là vì lượng du khách tăng cao khiến nhu cầu ăn uống cũng tăng hơn.
Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank, cho biết lượng gạo tiêu thụ ước tính của các du khách đã tăng từ 19.000 tấn (7/2022 - 6/2023) lên thành 51.000 tấn (7/2023 - 7/2024). Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng dù lượng tiêu thụ của du khách tăng gấp đôi nhưng vẫn chưa là gì so với mức tiêu thụ 7 triệu tấn mỗi năm của người dân Nhật Bản.
Nửa đầu năm 2024, Nhật Bản chào đón 17,8 triệu lượt khách du lịch, một con số kỷ lục, cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra khi trong tháng 7 Nhật Bản có 3,3 triệu lượt khách, con số cao nhất từng được ghi nhận.
Một nguyên nhân khác góp phần khiến tình trạng thiếu hụt gạo diễn ra là sản lượng gạo giảm do ngày càng ít người theo nghề trồng lúa. Đó là còn chưa kể những đợt nắng nóng, hạn hán nửa cuối năm ngoái cũng ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo.
Tuy nhiên với Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, nguyên nhân chính khiến Nhật Bản thiếu hụt gạo là vì những chính sách hạn chế của chính phủ. Ông nhận xét rằng “nền kinh tế lúa gạo Nhật Bản phần lớn vẫn tách biệt so với thị trường thế giới”.
Không phải tự nhiên Glauber lại có nhận xét này. Nhật Bản đang áp dụng mức thuế 778% đối với gạo nhập khẩu để bảo vệ nông dân trồng lúa. Dù Nhật Bản cam kết nhập khẩu khoảng 682.000 tấn gạo mỗi năm theo nghĩa vụ đối với WTO, thế nhưng phần lớn lượng gạo này bị người dân Nhật Bản “phân biệt đối xử” và dùng để chế biến hoặc làm thức ăn chăn nuôi.
Có chính sách hạn chế nhập khẩu gạo nhưng Nhật Bản lại đẩy mạnh xuất khẩu. Xuất khẩu gạo của họ tăng gấp 6 lần trong giai đoạn từ 2014 đến 2022, đạt mộc 30.000 tấn. Giá gạo tăng cao đã đẩy lạm phát chung đi lên trong tháng 8, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Gạo Nhật cũng khá được ưa chuộng và xuất hiện ở nhiều siêu thị ở Việt Nam.