Đối ngoại

Hợp tác thương mại Việt - Trung (Kỳ I): Tạo động lực phát triển hiệu quả

Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế 28/09/2024 03:00

Việt Nam và Trung Quốc ký kết nhiều văn bản hợp tác mới, tạo tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế song phương phát triển thực chất và hiệu quả.

260-202409261608231.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tháng 6/2023

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và xác định phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Những năm gần đây, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt. Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Việt-Trung hội nhập đa chiều

Việt Nam hiện đã tham gia 19 FTA, trong đó đang thực thi 16 FTA đã ký kết và 03 FTA đang đàm phán. Các FTA đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (200% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường. Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều xác định các FTA là nền tảng mới để tiếp tục mở cửa ra bên ngoài và đẩy nhanh cải cách trong nước, là cách tiếp cận hiệu quả để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tăng cường hợp tác kinh tế với các nền kinh tế khác, cũng như là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống thương mại đa phương. Hiện nay, Trung Quốc đang tham gia 24 FTA, trong đó có 16 FTA đã được ký kết và thực hiện.

260-202409261608232.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Lưu Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) tháng 8/2024

Năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và năm 2020, hai nước cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai FTA trên cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.

Về thương mại, Trung Quốc hiện nay cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ước đạt 79,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng gần 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư, hợp tác đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. Năm 2023, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 77% so với năm trước, đây là mức phát triển rất nhanh. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh và mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD trong năm 2023.

Xét về số dự án, 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án với tổng vốn đăng ký mới 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước. Cùng với đó, có 113 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 303,21 triệu USD; 268 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn 124,021 triệu USD từ Trung Quốc vào Việt Nam 7 tháng năm 2024. Tính chung tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024 là 1,65 tỷ USD, đứng thứ tư về vốn trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp mang tính chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tiếp thêm sức sống và động lực mới, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước tiếp tục đạt được những điểm nhấn mới trong tương lai, phát triển hiệu quả, đi vào chiều sâu và thực chất.

Tạo tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế

Trong các chuyến thăm và làm việc cấp cao của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác mới, tạo tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế song phương. Cụ thể, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng 12/2023, đã có 36 văn bản được ký kết, gồm các văn bản hợp tác kinh tế như: Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”; Hiệp định về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam - Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác phát triển và thúc đẩy thực hiện Sáng kiến phát triển toàn cầu (MOU); Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển xanh; Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại; Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số; Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế số và dữ liệu số; và một số văn bản liên quan khác.

Trong thời gian từ ngày 28/9 đến 2/10/2024 sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về Kinh tế Thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế

Những văn bản hợp tác về kinh tế chiếm đa số trong các văn bản được ký kết giữa hai nước. Điều đó cho thấy sự quan tâm của hai chính phủ, hai nhà nước và các bộ, ngành về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế. Trong khuôn khổ các chuyến công tác cấp cao của Lãnh đạo Chính phủ và các chương trình công tác khác giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có các buổi hội đàm song phương với phía Trung Quốc.

Tại các buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ, Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu lối mở tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương, tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng hóa thẩm lậu vào thị trường hai nước. Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển, cùng với xu hướng đẩy mạnh kinh tế số và thương mại điện tử, đặt ra những khó khăn, thách thức cho cả hai nước trong các vấn lĩnh vực như gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ đạo hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy và tổ chức thực thi trong các lĩnh vực hợp tác; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để các cán bộ của hai bên có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn… của hai bên.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, việc duy trì quan hệ Việt-Trung ổn định, lành mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của mỗi nước cũng như đối với hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực. Đồng thời, thúc đẩy và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế - thương mại, đầu tư; thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển theo hướng cân bằng hơn giữa hai nước.

Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế