Tăng thuế thuốc lá không phải là nguyên nhân dẫn đến buôn lậu
Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn tại Việt Nam cho thấy việc tăng thuế thuốc lá không dẫn đến tăng buôn lậu và giảm thu ngân sách nhà nước.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) qua phân tích số liệu từ 94 quốc gia cho thấy không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá. Tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao và ngược lại. Một số quốc gia có giá thuốc lá thấp (giá thấp hơn 2 USD/bao) lại có mức buôn bán bất hợp pháp cao nhất, ví dụ: Pakistan giá thuốc lá là 0,39 USD/bao và tỷ trọng thuốc lá lậu là 40%, Ethiopia (0,55 USD/bao và tỷ trọng thuốc lá lậu 32,9%), Ghana(1,06 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 29%) và Cameroon (0,89 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 25%).
Ngược lại, nhiều quốc gia có giá thuốc lá ở mức cao từ 4-8 USD/bao, thì lại có thị phần buôn bán bất hợp pháp dưới 10% tổng lượng tiêu thụ. Chẳng hạn như Hàn Quốc giá thuốc lá là 4,02 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 0,8%, Séc (4,31 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 2,9%).
Một số quốc gia có giá thuốc lá ở mức rất cao, trên 8 USD/bao, cũng có tỷ trọng thuốc lá lậu ở mức thấp dưới 10%: Thụy Sĩ (8,71 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 5,5%), Singapore (10,35 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 3,7%) và Na Uy (14,51 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 9,6%).
Rất nhiều nước đã tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá với mức đáng kể mà không phải chứng kiến sự gia tăng của tình trạng buôn lậu.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các hoạt động bất hợp pháp có thể được kiểm soát bằng các quy định pháp lý (ví dụ như sử dụng tem thuế nổi bật, số seri, ký hiệu đặc biệt của bao bì, nhãn cảnh báo sức khỏe bằng tiếng địa phương ...) và bằng thực thi pháp luật (như gia tăng kiểm toán các công ty, trang bị hệ thống theo dõi tốt hơn và quản lý nhà nước hiệu quả hơn).
Ví dụ tại Ý, buôn lậu thuốc lá ước tính ở mức khá cao (13%) vào năm 1992. Chính phủ đã quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá ba lần trong giai đoạn 1993-2000 để tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt lên 75,2% giá bán lẻ. Đồng thời, để kiểm soát buôn lậu, Chính phủ Ý đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm việc giới thiệu mã vạch trên bao thuốc lá để giúp phát hiện thuốc lá bất hợp pháp; thông qua luật trong đó coi buôn lậu thuốc lá giống như các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác; tăng cường kiểm soát bờ biển và giám sát bởi các cơ quan thực thi pháp luật; các cơ quan này đã được tăng cường quyền lực, tăng cường về hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật. Chính phủ Ý cũng tăng cường hợp tác chặt chẽ với Liên minh Châu Âu EU về chống buôn lậu. Tỷ lệ thuốc lá nhập lậu đã giảm xuống khoảng 3% vào năm 2000 và duy trì ở mức thấp trongnhững năm tiếp theo.
Theo Ngân hàng Thế giới, ngay cả khi có buôn lậu, thì tăng thuế vẫn đạt được những hiệu quả mong muốn: giảm sử dụng thuốc lá và tăng nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá cho chính phủ.
2 nguyên nhân chính gây ra buôn lậu thuốc lá
Trên thực tế ở Việt Nam, có hai nguyên nhân chính gây ra buôn lậu thuốc lá. Đó là: Thuốc lá ngoại được buôn lậu vào Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu. Việt Nam đang duy trì thuế nhập khẩu cao vì thuốc lá là sản phẩm độc hại đối với sức khỏe, nhằm giảm bớt việc nhập khẩu và tiêu thụ thuốc lá ngoại. Mức thuế nhập khẩu hiện đang duy trì ở mức 135% giá nhập khẩu (giá CIF). Sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt được áp lên giá đã có thuế nhập khẩu. Theo tính toán, nếu một bao thuốc có giá nhập khẩu ban đầu là 10.000 đồng thì sau khi áp các loại thuế, giá bán ra sẽ phải ở mức trên 50.000 đồng một bao. Vì vậy dù cho thuế TTĐB có tăng hay giảm thì buôn lậu vẫn cứ xảy ra, nhằm trốn thuế nhập khẩu.
Thuốc lá ngoại được buôn lậu do thị hiếu của người hút thuốc (hay còn gọi là ‘Gu’). Điều này thể hiện qua 3 yếu tố sau:
Thứ nhất: người tiêu dùng có xu hướng sử dụng một số nhãn nhất định. Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội thuốc lá, 80-90% số lượng thuốc lá lậu thuộc hai nhãn Jet và Hero. Hai nhãn thuốc này có hàm lượng tar và nicotine cao, phù hợp với những người nghiện nặng thuốc lá.
Thứ hai: “gu” hút thuốc thể hiện qua yếu tố vùng miền. Số liệu điều tra Hút thuốc ở người trưởng thành (GATS) 2015 cho thấy gần 92% các nhãn thuốc Jet và Hero được nhập lậu vào 2 vùng là Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Thứ ba: “gu” hút thuốc thể hiện qua việc người hút thuốc sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm thuốc lậu thay vì sử dụng thuốc lá hợp pháp giá thấp hơn. Cũng theo điều tra GATS 2015, mức giá trung bình của Hero và JET cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%.
Số liệu thực tế các năm gần đây cho thấy: Các năm 2016 và 2019 thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá đã được tăng từ 65% lên 70% lên 75%. Tuy nhiên, số lượng thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy giảm từ khoảng 6,4 triệu bao (năm 2018) xuống khoảng gần 1,4 triệu bao (năm 2019) và sau đó lại tăng trở lại vào năm 2020 (5,1 triệu bao), năm 2021 (gần 6,6 triệu bao) mặc dù những năm sau này không có sự tăng thuế (Theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam).
Số thu thuế TTĐB thuốc lá tăng từ 13,4 nghìn tỷ (năm 2016) lên 19,3 nghìn tỷ (năm 2022).
Tăng thuế thuốc lá không khiến người hút thuốc chuyển từ nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp sang các nhãn hiệu thuốc lá bất hợp pháp. Thuốc lá lậu ở Việt Nam có giá đắt hơn đáng kể so với hầu hết các loại thuốc lá hợp pháp.