Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dược
Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành dược.
Thực tế cho thấy, Đảng, Chính phủ nước ta rất quan tâm tới thu hút FDI vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực y tế với những chính sách ưu đãi cao nhất. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về y dược của thế giới cũng đã đầu tư sang nước ta. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn.
Theo đó, trong tổng số gần 40.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn gần 500 tỷ USD, chỉ có 159 dự án đầu tư trong lĩnh vực y dược với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD, đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung đầu tư tại 13 tỉnh, thành. Hiện, dự án đầu tư từ những trung tâm dịch vụ y tế hàng đầu thế giới như ở châu Âu vào Việt Nam chưa nhiều; các dự án cũng chỉ tập trung ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội tốt như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Lý giải việc thu hút FDI trong lĩnh vực y dược chưa được như kỳ vọng, không ít ý kiến cho rằng, luật pháp liên quan đến y dược ở nước ta vẫn còn một số hạn chế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Việt Nam khi tham gia hợp tác với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực y dược còn khó khăn, hợp tác chưa chặt chẽ, đặc biệt là về vốn, công nghệ, năng lực quản lý chưa tương thích, gây khó khăn trong thu hút FDI. Ngoài ra, điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân cũng tác động đến các dự án y dược.
Trước thực tế nêu trên, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quan điểm của Chính phủ là rất nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực liên quan đến con người, y tế, giáo dục.
"Liên quan đến pháp luật về đầu tư, hiện nay đã rất rõ ràng và đầy đủ. Các cơ chế, chính sách ưu đãi cho ngành dược, y tế hiện ở mức cao nhất. Song y dược là ngành đặc thù gắn với sức khoẻ, tính mạng của người sử dụng nên có những điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư, hoạt động chặt chẽ hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Y tế, bộ ngành khách để dần tháo gỡ những vướng mắc", ông Vũ Văn Chung cho biết.
Xoay quanh vấn đề này, bà Radhika Bhalla, Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và Các thị trường Liên minh châu Á nhận định, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc trong nước trong ngành dược phẩm đã được xác định là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đăng ký và chính sách đầu tư. Do đó, cần thiết có các cải cách pháp lý để tạo môi trường đầu tư nước ngoài rõ ràng và hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm.
“Việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính liên quan đến các mô hình chuyển giao công nghệ sẽ giúp thu hút các công ty đa quốc gia có chuyên môn vào Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước song song với việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Radhika Bhalla chia sẻ.
Được biết, để đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành dược, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Đánh giá cao những định hướng sửa đổi trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), ông Trịnh Lương Ngọc, Luật sư thành viên VILAF cho biết, Luật Dược sửa đổi có tác động tích cực theo 2 hướng.
Đầu tiên, việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, cấp giấy phép lưu hành... làm doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đăng ký sản phẩm dược, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, điều này giúp giá thuốc có thể tốt hơn, người dân có thể tiếp cận thuốc chất lượng cao.
Thứ hai là việc doanh nghiệp nước ngoài có thể sản xuất, chuyển giao sản phẩm cho doanh nghiệp việt, mang ý nghĩa khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài làm việc nhiều hơn với doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước học hỏi và sản xuất sản phẩm mới.
“Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ chú trọng tới ưu đãi đầu tư. Khi quyết định đầu tư, họ quan tâm tới việc phối hợp, tháo gỡ vướng mắc giữa các đơn vị, giữa trung ương và địa phương, bởi dự án có thể kéo dài hàng năm mới triển khai được”, ông Ngọc nhấn mạnh.