Gỡ khó cho chuyển đổi xanh: Phân bổ nguồn lực tài chính
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu phân bổ nguồn lực tài chính hợp lý để tạo nguồn hỗ trợ chuyển đổi xanh.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu tổ chức Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh tầm quốc gia. Nếu được thực hiện đúng cách, nguồn lực này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường mà còn tạo ra các cơ hội đầu tư, gia tăng lợi nhuận.
Hỗ trợ hạ tầng từ đầu tư công
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là một trong những dự án xanh của Việt Nam đã và đang được triển khai mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo đánh giá ban đầu từ các mô hình thí điểm, mỗi ha lúa gạo canh tác đã giảm 5 tấn carbon tương đương, chi phí cho sản xuất lúa gạo giảm 30% trong khi thu nhập đạt được tăng từ 30 - 50%. Vướng mắc chính hiện nay khi thực hiện đề án là nguồn vốn đầu tư hạ tầng canh tác đồng bộ, bài bản. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cần đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù để có dự án đầu tư công cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khi đề cập đến nguồn lực đầu tư công cho phát triển kinh tế cũng đã chỉ ra một số bất cập khi nguồn lực này thời gian qua dồn quá nhiều cho hạ tầng giao thông. Theo Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đã đến lúc cần rà soát lại để phân bổ nguồn lực đầu tư công hợp lý, trong đó, cần chuyển nguồn vốn mồi quan trọng này sang một số lĩnh vực khác của nền kinh tế như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Đặc biệt, cần sớm có chương trình hay quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Hiện nay, vấn đề này đang trở nên sát sườn với doanh nghiệp nhưng thực hiện chuyển đổi lại rất khó khăn cho doanh nghiệp, vừa phải đầu tư lớn cho chuyển đổi hạ tầng, ứng dụng công nghệ để xanh hoá sản xuất vừa không được tăng giá bán sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. “Thực tế, hỗ trợ về tài chính tiền tệ của nhà nước chưa có gì” - TS Cấn Văn Lực bày tỏ.
Tăng hiệu suất đầu tư cho chuyển đổi xanh
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, 80% doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ, lợi nhuận mỏng nhưng cần đầu tư lớn.
Thách thức lớn nhất các doanh nghiệp đang đối mặt là phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh. Các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu có nhiều quy định, yêu cầu phát triển bền vững khiến nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn khó khăn để đáp ứng. Không thực hiện, doanh nghiệp có thể mất đơn hàng. Riêng Tổng công ty May 10, mỗi năm có khoảng 100 cuộc đánh giá của các khách hàng lớn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, các tổ chức cấp chứng chỉ.
Thực hiện chuyển đổi xanh, May 10 đã đầu tư đạt chứng chỉ toà nhà xanh theo tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ, phát triển nguyên liệu xanh từ tái chế, chuyển đổi năng lượng xanh. Theo Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt, đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi toàn diện nhưng thực tế, doanh nghiệp này chưa tiếp cận được tài chính xanh từ các ngân hàng. Chi phí đầu tư chủ yếu từ tài chính của doanh nghiệp hoặc khai thác nguồn lực bên ngoài. Chia sẻ thêm về đầu tư cho năng lượng xanh, ông Thân Đức Việt cho biết, công ty mất 2 năm loay hoay tìm hiểu, nghiên cứu lắp đặt điện mặt trời áp mái, cuối cùng May 10 chọn giải pháp: thay vì tự bỏ vốn lắp đặt, May 10 đã hợp tác với Quỹ đầu tư của Pháp để đối tác lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái các nhà máy sản xuất.
Đặt câu hỏi, với tiềm năng lớn như vậy, tại sao các ngân hàng, tổ chức tín dụng hay cơ quan chức năng không tổ chức, tài trợ các quỹ đầu tư phát triển bền vững như vậy? ông Việt ví dụ: “Đơn cử nhà đầu tư khai thác điện mặt trời từ May 10 cho biết, sau 10 năm sẽ hoàn vốn đầu tư, thời gian còn lại là khai thác lợi nhuận”. Đây cũng là ý kiến cần được quan tâm.