Bước phát triển mới cho ngành thang máy
Ngày 14/11/2024 đến ngày 16/11/2024, tại Trung tâm triển lãm Quốc tế (I.C.E Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm thang máy Quốc tế Việt Nam năm 2024.
Chiều 26/9, Công ty TNHHH SPEX Quốc tế đã phối hợp với Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm tổ chức họp báo giới thiệu kế hoạch tổ chức Triển lãm Thang máy quốc tế Việt Nam 2024.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập Quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết: Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh chóng, ổn định. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp thứ 34 theo bảng xếp hạng của CEBR.
Theo dự báo, nếu tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng thì đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, khi đó, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Philippines (1.536 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Minh Anh cho rằng, đây cũng chính là nền tảng tốt thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có ngành thang máy. Thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng thang máy tại các tòa nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng công cộng và khu đô thị hiện đại ngày càng lớn. Điều này tạo ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho thị trường thang máy Việt Nam.
Thông tin tại cuộc họp báo ông Li Weijun, Cục Phát triển Ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: Trong bối cảnh phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng, xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang bùng nổ, các ngành xây dựng, kỹ thuật và công nghiệp liên quan cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu lớn về thang máy và các phụ tùng quan trọng. Ngành thang máy Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng nhờ sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ và nhu cầu thị trường, đã hình thành một chuỗi ngành công nghiệp và cung ứng tương đối hoàn chỉnh, đồng thời đào tạo được một loạt các doanh nghiệp có tiếng trong ngành. Thông qua các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, ngành đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Trung Quốc và Việt Nam có không gian hợp tác rộng lớn trong lĩnh vực chuyên ngành thang máy.
Để mở rộng thị trường và đưa sản phẩm thang máy tích hợp công nghệ thông minh vào Việt Nam, vào tháng 11 năm 2024, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tổ chức các doanh nghiệp đại diện của ngành thang máy Trung Quốc tham gia triển lãm thang máy Quốc tế và phụ tùng lần thứ ba tại Hà Nội, Việt Nam (Vietnam Lift Expo), nhằm giới thiệu các sản phẩm và công nghệ mới trong chuỗi ngành công nghiệp toàn diện của thang máy và các linh kiện quan trọng.
Chia sẻ về mục tiêu của cuộc triển lãm sắp tới, đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, tham Tán Li Zhen Min cho biết từ văn bản: Ngành công nghiệp thang máy của Trung Quốc và Việt Nam có tính bổ sung cao và có tiềm năng thị trường lớn. Trung Quốc có công nghệ R&D, thiết kế và sản xuất thang máy hạng nhất và có thể cung cấp cho Việt Nam các dịch vụ chuỗi công nghiệp đầy đủ. Hy vọng rằng thông qua triển lãm 2024 Vietnam International Lift Expo, thang máy và phụ kiện Trung Quốc (Việt Nam) được tổ chức vào tháng 11 năm nay, các công ty của cả hai bên có thể hiểu sâu hơn nữa, đàm phán về việc kết nối, cũng như tìm kiếm sự hợp tác và phát triển chung.
Đồng quan điểm trên, ông Lý Chấn Dân, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng có bài phát biểu từ văn bản: Trung Quốc nhiều năm qua vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trên thế giới. Quy mô đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục mở rộng, với tổng vốn đầu tư vượt 28 tỷ USD, mức độ hợp tác công nghiệp giữa hai nước tiếp tục được cải thiện. Chúng tôi mong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.
Góp ý về chính sách cho thị trường thang máy tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Chào (đơn vị phân phối cho thương hiệu thang máy Mitsubishi tại Việt Nam) đề xuất: Hiện nay Việt Nam cũng chưa có tiêu chí rõ ràng cho các đơn vị sản xuất, đồng thời chưa có cơ quan nào thi hành nghiêm minh xử lý về gian luận trong sản xuất và phân phối thang máy.
Trước thực trạng đó, bà Kim Oanh đề xuất: Nhà nước cần đưa ra bộ quy chuẩn rõ ràng làm thước đo về tiêu chí, quy định về năng lực, từ đó có căn cứ kiểm duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện được sản xuất thang máy. Tương tự như các đơn vị phân phối, đội ngũ nhân sự phải có trình độ, kinh nghiệm, kiến thức, đạo đức về nghề để tư vấn đúng cho người sử dụng. Về quản lý chất lượng sản xuất bà Kim Oanh kiến nghị Chính phủ cần ban hành bộ quy chuẩn đúng và cơ quan thực thi minh bạch, kiểm duyệt xét đầu vào, khi cấp phép cho thành lập công ty sản xuất thang máy có năng lực, có công công nghệ và đội ngũ nhân sự đảm bảo chất lượng được sản xuất và cơ quan kiểm nghiệm xác nhận chất lượng đạt chuẩn của thang máy mới cấp phép cho lưu hành, bán ra thị trường.