Kinh tế

Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông: Kỳ III - Ưu tiên đầu tư công cho đường thuỷ và cảng biển

Hương Giang 30/09/2024 11:00

Vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước.

Do đó, việc ưu tiên đầu tư công cho giao thông đường thuỷ và cảng biển sẽ là động lực thúc đẩy cho toàn vùng.

cang-bien-soi-dong.jpg
Đầu tư công cho đường thuỷ nội địa hiện nay khá khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của lĩnh vực này. (Ảnh: Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải)

Đầu tư công cho lĩnh vực vực hạ tầng giao thông đường thuỷ chỉ chiếm 2% tổng mức đầu tư toàn ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2001 – 2020, trong khi tăng trưởng của lĩnh vực này chiếm tới 20%.

Đầu tư công còn hạn chế

Nếu chỉ tính riêng đường thuỷ nội địa, hiện cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép, 1.271 bến không phép và 2.526 bến khách ngang sông.

Đặc biệt, Việt Nam có tới 2.360 con sông, kênh có tổng chiều dài gần 41.900km với 9 hệ thống sông chính đổ ra biển thông qua hơn 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737km.

Năm 2023, tuyến vận tải ven biển có lưu lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng thủy nội địa, cảng biển ước khoảng 225 triệu tấn. Mặc dù đóng góp lên tới 20% sản lượng hàng hoá, nhưng đầu tư công cho lĩnh vực hạ tầng giao thông đường thuỷ chỉ chiếm 2%. Đây là một trong những hạn chế khiến việc vận chuyển hàng hoá gặp nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là cần cần phân bổ tăng đầu tư công cho giao thông đường thuỷ, nhằm kết nối giao thương giữa các liên vùng, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, trong khoảng 20 năm trở lại đây, lĩnh vực khai thác cảng biển của Việt Nam đã tăng trưởng một cách nhanh chóng, không chỉ kịp thời phục vụ phát triển kinh tế đất nước mà một số bến cảng đã nằm trong Top 50 cảng biển lớn nhất thế giới, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy vậy, trải qua 20 năm phát triển, vẫn còn đó những chiến lược lớn chưa thể thực hiện. Do đó, phải tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối để nắm bắt cơ hội này.

“Trong chiến lược Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông, các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp cũng cần bắt nhịp theo xu thế phát triển ngành hàng hải và đường thủy nội địa theo hương công nghệ số, cảng xanh, chuyển đối năng lượng, giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn. Đây chính là những thách thức lớn đối với các chủ tàu, chủ cảng. Vì vậy, Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển để thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới”, ông Trần Đỗ Liêm lưu ý.

Giảm áp lực hạ tầng giao thông đường bộ

Nhấn mạnh về vùng động lực và chiến lược tiến ra Biển Đông, ông Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng kỹ thuật biển Port Coast, cho rằng vùng Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Theo định hướng đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, chỉ tiêu đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng giao thông cho đường thuỷ, cảng biển lại khá thấp, chưa tương xứng”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Một trong những đặc trưng của cảng Cái Mép - Thị Vải là hiện nay hầu hết các hãng tàu lớn trên thế giới đã hoạt động trong khu vực này. Song, để thu hút được các hãng tàu lớn tầm cỡ quốc tế vào nhiều hơn nữa thì không thể thiếu hệ thống giao thông kết nối. Và điều này đồng nghĩa với việc phải ưu tiên đẩy mạnh, thậm chí tăng một tỷ lệ tương xứng đầu tư công cho lĩnh vực đường thuỷ và cảng biển để giảm áp lực quá tải cho hạ tầng giao thông đường bộ đang tồn tại như hiện nay.

Ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa - Bộ Giao thông Vận tải, cũng thừa nhận tỷ lệ đầu tư công cho lĩnh vực đường thuỷ nội địa hiện nay khá khiêm tốn. “Đầu tư công cho lĩnh vực đường thủy nội địa ít nhưng đóng góp của lĩnh vực này lại rất lớn, thì quả thực là không tương xứng. Đây chính là vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở, mặc dù trong những năm qua Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, Cục Giao thông đường thuỷ nội địa - Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có kế hoạch và đề xuất ưu tiên đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực đường thuỷ và cảng biển”, ông Bùi Thiên Thu, nhấn mạnh.

Mời đón đọc Kỳ IV: Tạo động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân

Hương Giang