Cần thiết hoàn thiện pháp lý về dự trữ quốc gia
Luật Dự trữ quốc gia 2012 đã phát sinh những bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung, đáp ứng tình hình mới hiện nay.
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với DĐDN.
Tại Dự thảo một luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã đưa Luật Dự trữ quốc gia 2012 vào đề nghị sửa đổi, bổ sung. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, Luật Dự trữ quốc gia 2012 là khung pháp lý căn bản, quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động dự trữ quốc gia, bảo đảm mục tiêu chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh.
Từ khi được ban hành và có hiệu lực, Luật đã hình thành cơ chế quản lý, điều hành, sử dụng dự trữ quốc gia hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bước đầu đã huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế trong một số hoạt động dự trữ quốc gia...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, thực tế triển khai thực hiện, Luật Dự trữ quốc gia đã bộc lộ một số điểm bất cập, việc cơ quan soạn thảo đề xuất Luật này là một trong 7 luật cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về một số điểm bất cập tại Luật Dự trữ quốc gia 2012?
Chẳng hạn như, về vấn đề quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp, quy định về quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm b khoản 2 Điều 12: “quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp” và quy định về nhiệm vụ của Chính phủ tại điểm d khoản 1 Điều 13: “Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp” là chưa hợp lý, phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Bởi, theo khoản 1 Điều 7: “Hàng dự trữ quốc gia sau khi xuất phải được bù lại đủ, kịp thời”, việc cần thêm thời gian để Chính phủ gửi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định dẫn tới việc khó thực hiện triệt để nguyên tắc quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia.
Chưa kể, theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, việc quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương (đối với các khoản chi trên 3 tỷ) do Thủ tướng Chính phủ quyết định và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Vì vậy, đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền cho phép Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất là cần thiết, đảm bảo tính khoa học, thống nhất với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ không chỉ trong quy định của Luật Dự trữ quốc gia, mà còn phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính đang thúc đẩy, phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước 2015.
Đặc biệt, giao quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất, còn đảm bảo tính kịp thời khi hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp bị thiếu hụt, phù hợp theo nguyên tắc quản lý sử dụng hàng dự trữ quốc gia mà Luật hiện hành đặt ra, bảo đảm nguồn lực để Nhà nước chủ động ứng phó với tình huống đột xuất.
Cùng với vấn đề đã nêu, còn nội dung cần thiết nào được đề xuất sửa đổi, bổ sung không, thưa ông?
Ngoài vấn đề về quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp thì việc bổ sung quy định để điều chỉnh xử lý đối với tình huống Đảng và Nhà nước sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia để đối ngoại là hết sức cần thiết trong bối cảnh việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Bởi theo khoản 1 Điều 35 quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các tình huống: Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố dịch bệnh xảy ra tại địa phương; Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu đói; Khi giá cả thị trường tăng, giảm đột biến; Đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài 4 tình huống nêu trên, những năm gần đây Đảng và Nhà nước còn sử dụng hàng dự trữ quốc gia để phục vụ công tác đối ngoại. Vì vậy, việc bổ sung quy định đối với tình huống này để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện và phù hợp với tình hình thực tế giúp cho việc triển khai thực hiện được chặt chẽ, có hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!