Kinh tế địa phương

Kinh tế tuần hoàn: “Bàn đạp” cho Bắc Ninh phát triển bền vững

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 27/09/2024 16:42

Bắc Ninh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hài hòa với văn hóa, xã hội và môi trường.

Nhất quán mục tiêu chiến lược hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, ngành Nông nghiệp Bắc Ninh tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn (KTTH).

picture1.jpg
Đoàn công tác thăm, kiểm tra mô hình chăn nuôi vịt thịt ứng dụng công nghệ cao, tại hộ bà Nguyễn Thị Thoa - khu phố Mai Cương, phường Cách Bi, thị xã Quế Võ

Những dấu ấn phát triển

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà cho biết, KTTH đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, KTTH đang được xác định có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý và nhờ vào đó mà sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng được tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo về được hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Trong những năm qua, cùng với việc chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và bảo vệ môi trường sinh thái, sức khoẻ của con người, ngành Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng KTTH. Đến nay, đã có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, một số kết quả cụ thể:

Trong sản xuất trồng trọt đã hình thành và phát triển được 34 cơ sở sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 236,3 ha; 68 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 34,11 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích. Ngoài ra, đã có 6 thương hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ bằng các hình thức Chỉ dẫn địa lý (sản phẩm Tỏi An Thịnh của huyện Lương Tài), Nhãn hiệu chứng nhận (4 sản phẩm: Khoai tây Quế Võ, Cà rốt Gia Bình, Gạo nếp Nhung Tam Sơn, Nếp cái hoa vàng Yên Phụ) và Nhãn hiệu tập thể (01 sản phẩm: Gạo tẻ thơm Quế Võ), đây là các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chủ lực và các sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh.

Đã có 89 cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 02 cơ sở đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Nuôi trồng thủy sản: Công nghệ “sông trong ao”, Biofloc, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được hình thành và phát triển. Đã có 153 cơ sở được chứng nhận VietGAP, 01 HTX đã được chứng nhận thương hiệu cá sạch, doanh thu đạt 18-20 tỷ đồng/năm.

Khoai tây – Một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Quế Võ
Khoai tây – Một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thị xã Quế Võ

Phương thức sản xuất chuyển từ sản xuất nhỏ theo kiểu truyền thống sang sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Đến nay toàn tỉnh đã hình thành khoảng 1.700 vùng sản xuất tập trung; 97 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn. Cơ giới hóa được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đã góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và giá trị sản xuất. Trong đó, dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị bay siêu nhẹ không người lái, dịch vụ gieo, cấy bằng máy đã hình thành và từng bước phát triển...

Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác, năm 2023 ước đạt 148,7 triệu đồng/ha, tăng khoảng 30 triệu đồng/ha so với năm 2019. Năng suất lúa đạt 64,1 tạ/ha, nằm trong tốp những tỉnh có năng suất lúa cao nhất khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, xác định phát triển KTTH trong nông nghiệp là việc làm cần thiết và là xu hướng tất yếu, để tạo động lực phát triển KTTH trong nông nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, phát triển kinh tế trang trại. Như:

Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: đã tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại, nhất là các trang trại tổng hợp VAC (vườn - ao - chuồng); Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh khóa XIX quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trong đó tập trung hỗ trợ sản xuất an toàn; sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư; sản xuất tập trung quy mô lớn; sử dụng chế phẩm xử lý môi trường; cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp...

Kế hoạch số 596/KH-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện, an toàn, hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Kế hoạch số 2213/KH - SNN ngày 22/12/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Quan tâm xây dựng mô hình điểm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, làm tiền đề để các tổ chức, cá nhân mở rộng vào sản xuất. Như: mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch ngay tại ruộng để làm phân bón hữu cơ cho sản xuất lúa vụ sau; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng trong các trang trại; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể Bioga để lấy khí đốt và phân bón hữu cơ, mô hình thu gom phụ phẩm nông nghiệp để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất; mô hình trồng nấm rơm, nấm sò tận dụng phụ phẩm nông nghiệp; mô hình trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc...

Ngoài ra, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trên 100 lớp tập huấn cho các hộ nông dân về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; in hàng chục nghìn tờ rơi; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, sử dụng hóa chất BVTV và phân hóa học; chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ... Khuyến khích nông dân thu gom, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm ăn, sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý gốc rơm rạ để làm phân hữu cơ.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; kỹ thuật sản xuất và chuyển giao các quy trình công nghệ tiên tiến trong thâm canh như: sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, nông nghiệp tuần hoàn; nhờ đó đã nâng cao nhận thức của nông dân trong việc sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường nông nghiệp.

Nhờ vậy đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển sản xuất nông nghiệp Bắc Ninh ổn định, bền vững thời gian qua.

z5869473094044_b538870756ed7be369ea4699e2695f1e.jpg
Mô hình trồng dưa vàng Hàn Quốc theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quế Võ

Hợp tác xã, doanh nghiệp cùng tỉnh phát triển kinh tế xanh

Xây dựng, phát triển KTTH kinh tế xanh hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, hiện đại là đích đến của tỉnh Bắc Ninh. Bắc Ninh được biết đến là thủ phủ của làng nghề, tiểu thủ công nghiệp bởi tính lịch sử. Để giải quyết bài toán này, KTTH, kinh tế xanh trở thành một lựa chọn tất yếu.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quế Võ, cho biết HTX được thành lập cuối năm 2016. Được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ khuyến công huyện, năm 2017, HTX đã được quan tâm và hỗ trợ HTX làm mô hình nhà lưới. Các yêu cầu về quy trình, kỹ thuật trồng dưa vàng Hàn Quốc theo tiêu chuẩn VietGAP, bán ra luôn ổn định, được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương đồng thời tiên phong áp dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại nông sản, HTX Nông nghiệp xanh Quế Võ thực sự trở thành điểm sáng, mở ra hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Bồng Lai nói riêng, TX Quế Võ nói chung.

Viêt kết
Từ quy trình trồng nguyên liệu đến sản xuất nghiêm ngặt, sản phẩm của công ty đã chinh phục được thị trường trong nước và có 1 số đơn hàng được xuất khẩu đi nước ngoài

Anh Trần Đình Hùng – Giám đốc công ty TNHH Dược liệu Việt Kết, xã Thái Bảo, thị xã Quế Võ cho biết, ngày nay, dưới sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thì những loại thảo dược đã được chưng cất, cô đặc, phát huy tối đa công dụng, để phát triển sản phẩm một cách bền vững thì khâu nguyên liệu là cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 không đó là “ không thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hóa học và không chất bảo quản” được lựa chọn kỹ càng trước khi đưa vào sản xuất.

Hướng tới mục tiêu cùng tỉnh phát triển kinh tế xanh, KTTH, công ty chúng tôi đã luôn ý thức được việc phát triển công nghệ cũng như bán hàng trên sàn thương mại điện tử, đăng ký sản OCOP đạt 4 sao năm 2023, đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông đồng hành và hỗ trợ suốt thời gian qua. Anh Hùng chia sẻ.

Sớm nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế xanh, cùng với cả nước Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó kinh tế xanh đóng vai trò chủ đạo. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH. Góp phần cùng tỉnh Bắc Ninh phát triển kinh tế hiện đại, xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố “đổi mới sáng tạo” trực thuộc Trung ương.

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG