Kinh tế địa phương

Hải Phòng: Cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc

Bùi Hiền - Hải Ngân 27/09/2024 16:43

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) lần thức 21 tại Nam Ninh đã mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế cho Hải Phòng.

Từ 23 – 27/9, Đoàn công tác TP Hải Phòng do ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) lần thứ 21 tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc). Với nhiều hoạt động giao lưu, tạo đòn bẩy trong thúc đẩy phát triển kinh tế giữa Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng với Trung Quốc trong thời gian tới.

hai-phong-nam-ninh.jpg
Đoàn công tác TP Hải Phòng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo TP Nam Ninh và lãnh đạo các nước tham gia Đại hội giao lưu thành phố hữu nghị Hành lang Kinh tế và “Vành đai con đường” năm 2024 (Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng)

Tại Hội nghị lần này, đoàn công tác TP Hải Phòng đã tham dự Đại hội giao lưu thành phố hữu nghị Hành lang Kinh tế Hà Nội – Nam Ninh và “Vành đai con đường” năm 2024.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng đã có những chia sẻ về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh, những tiềm năng thế mạnh của TP Hải Phòng đến các đại biểu tham dự Đại hội.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “GRDP năm 2023 đạt 10,34%, là năm thứ 9 Hải Phòng giữ mức tăng trưởng hai con số, nằm trong top những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Việt Nam… 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của Hải Phòng tăng 10,32% so với cùng kỳ. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố năm 2023 đạt 3,62 tỷ USD. Đây cũng là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư. 6 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng đã thu hút được trên 1,55 tỷ USD, đạt 77,58% kế hoạch năm. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 964 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 31 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 407 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đạt 6,36 tỷ USD”.

“TP Hải Phòng cũng có đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt (từ Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng), đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không (Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đạt tiêu chuẩn 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới và có thể tiếp nhận các loại máy bay lớn nhất thế giới). Đây là điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, giao thương giữa Hải Phòng với các địa phương trong và ngoài nước. Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam, xếp hạng 100 trên thế giới về cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất, đứng vị trí 47 về hoạt động hiệu quả nhất thế giới, có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 160.000 tấn và kết nối trực tiếp đến các cảng biển chính ở châu Âu, châu Mỹ”, ông Thọ cho biết thêm.

Hiện, Hải Phòng đã thành lập được 14 KCN, trong đó, hầu hết các KCN đều đã được lấp đầy. Tới đây, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng dư địa, phát triển thêm 20 KCN mới với diện tích ước tính hơn 7.000 ha để đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước với thế mạnh công nghiệp công nghệ tiên tiến.

Đặc biệt, Hải Phòng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có diện tích khoảng 20.000 ha, đây sẽ là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0 đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh.

Mặt khác, với những thế mạnh, tiềm năng dồi dào về tự nhiên, văn hóa, lịch sử lâu đời, ẩm thực đặc sắc cùng những địa danh du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Trung tâm thành phố… hấp dẫn đông đảo khách du lịch. Năm 2023, quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh cùng với Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Nơi đây cũng trở thành địa điểm hấp dẫn hàng triệu khách du lịch mỗi năm, trong đó có cả du khách từ TP Nam Ninh nói riêng và du khách Trung Quốc nói chung.

Ông Nguyễn Đức Thọ cũng nhấn mạnh: “Để góp phần thúc đẩy và gắn bó sâu sắc hơn nữa giữa mối quan hệ hợp tác giữa Hải Phòng (Việt Nam) và Nam Ninh (Trung Quốc) cần duy trì, tăng cường trao đổi giữa đoàn các cấp, các ban, sở, ngành giữa hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại và kết nối các Hiệp hội, doanh nghiệp, hàng hóa của hai bên. Cùng với đó, thúc đẩy triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc”, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu dành cho học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân giữa hai địa phương trong thời gian tới”.

hai-phong-nam-ninh.png
Các doanh nghiệp Hải Phòng (Việt Nam) có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cùng các doanh nghiệp tại TP Nam Ninh (Trung Quốc)

Còn tại buổi gặp mặt xã giao với ông Nông Sinh Văn – Bí thư Thành ủy Nam Ninh vào chiều ngày 25/9, ông Nguyễn Đức Thọ đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, tiềm năng thế mạnh, đánh giá tình hình hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian vừa qua và triển vọng hợp tác giữa hai địa phương như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: hợp tác, duy trì trao đổi đoàn các cấp, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, logistics. Đồng thời, tổ chức giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, nghệ thuật. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Thúc đẩy triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Du lịch Hải Phòng với Cục Văn hoá, Phát thanh truyền hình và Du lịch Nam Ninh và “Vành đai con đường”. Cùng với đó, tiếp tục duy trì hợp tác trên các lĩnh vực mà 2 bên đã có những thành quả nhất định…

Trong ngày 26/9, Đoàn công tác TP Hải Phòng đã khảo sát ngành sản xuất hoa nhài của TP Hoành Châu, Tập đoàn Giao thông đường sắt Nam Ninh, Trung tâm điều phối giao thông thông minh tàu điện ngầm, Nhà ga tàu điện ngầm Nam Ninh để tìm hiểu cơ chế vận hành, tình hình quản lý, quy hoạch và đầu tư xây dựng tàu điện ngầm, sẵn sàng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Bùi Hiền - Hải Ngân