Cần đảm bảo thống nhất trong quản lý hoạt động mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa
Để hoạt động mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa không gây khó khăn cho các chủ thể, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách quản lý cần đảm bảo tính thống nhất...
Để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Theo cơ quan soạn thảo, hơn 18 năm tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005 về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP... đã tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam phát triển.
Gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều Luật có tác động đến lĩnh vực này như Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020, Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024,…
Để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Mục tiêu chung của Dự thảo Nghị định là hoàn thiện các quy định, chính sách để phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và người dân; kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, góp ý về nội dung Dự thảo, không ít ý kiến cho hay, các chính sách được đề xuất chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cần được cân nhắc, rà soát lại.
Góp ý Dự thảo, chuyên gia kinh tế - PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, điểm c khoản 2 Điều 65 (Thông báo niêm yết hàng hóa thông thường) và điểm c khoản 2 Điều 66 yêu cầu trong hồ sơ thông báo niêm yết phải có: “Báo cáo đánh giá tác động trên thị trường của hàng hoá dự kiến niêm yết: đảm bảo cung cầu hàng hoá trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nông sản, biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá và tác động thúc đẩy cạnh tranh”. Trong khi, quy định này vô cùng khó xác định vì quá chung chung, mơ hồ và hoàn toàn không khả thi đối với doanh nghiệp.
“Trách nhiệm đánh giá những tác động của hàng hóa đến thị trường và thúc đẩy cạnh tranh đang được Luật giao cho cơ quan quản lý Nhà nước (để đảm bảo tính toàn diện, chính xác), không phải doanh nghiệp”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 85, 86, 87 của Dự thảo, các quy định được đưa ra không thống nhất với pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp, thậm chí gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn.
Việc góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa hiện được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư (Phụ lục IV), với điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn góp, cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở giao dịch hàng hóa là 49% (theo Nghị định 51/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định điều chỉnh giảm tỷ lệ này xuống mức 30%, đồng thời yêu cầu các thủ tục về đầu tư nước ngoài vào Sở giao dịch hàng hóa và thành viên của Sở giao dịch hàng hóa phải thực hiện theo quy định của Luật Cạnh Tranh. Đây là một sự chồng chéo, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh không điều chỉnh các vấn đề về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Từ thực tế đã nêu, vị chuyên gia này kiến nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu để bỏ các quy định không thuộc phạm vi quy định chi tiết Luật Thương mại, đồng thời điều chỉnh các quy định để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nói riêng.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thu Thủy – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng cho rằng, Dự thảo chưa thống nhất với Luật Thương mại và các Luật có liên quan đối với việc thành lập Sở giao dịch hàng hóa dẫn tới khó hiểu, khó áp dụng trên thực tế.
Cụ thể, Điều 7 quy định lặp lại một số quy định của Luật Doanh nghiệp về Công ty cổ phần và Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Việc quy định lặp lại như vậy trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần bỏ các quy định trùng lặp.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 7, khoản 5 Điều 9 Dự thảo chỉ cho phép các thương nhân đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa tương lai là thành viên được thành lập Sở giao dịch hàng hóa (theo Điều 35 các thương nhân này phải là Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần) mà không cho phép các loại hình doanh nghiệp khác thành lập (doanh nghiệp tư nhân, công ty Hợp danh hay doanh nghiệp Nhà nước). Điều này vi phạm Khoản 2 Điều 51 của Hiến pháp về “Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng…”
Cùng với các vấn đề đã nêu, về điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa, theo bà Thủy, khoản 1 Điều 9 quy định về vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu. Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định về các loại vốn này mà chỉ quy định đối với vốn điều lệ. Do vậy, cần rà soát, cân nhắc bổ sung nội dung làm rõ khái niệm của 2 loại vốn này, đảm bảo tính minh bạch, nhất quán trong áp dụng pháp luật, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Không chỉ có vậy, khoản 2 Điều 9 quy định về ký quỹ hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa: Trong bối cảnh số lượng các lĩnh vực ở Việt Nam yêu cầu ký quỹ hoạt động vào tài khoản phong tỏa gần như không còn, chủ yếu là ký quỹ vụ việc hoặc có ký quỹ hoạt động thì ở mức thấp (ngay cả 2 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, là lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị, xã hội và người dân, cũng không yêu cầu ký quỹ mà tập trung quy định chặt chẽ về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, vốn pháp định), thì nội dung quy định về ký quỹ hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa cũng nên cân nhắc lại, vì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
“Việc một khoản tiền lớn của doanh nghiệp bị đóng băng trong suốt thời gian dài (từ khi chờ cấp giấy phép và trong suốt thời gian hoạt động) là một bất cập rất lớn, gây cản trở cho hoạt động ổn định cũng như sự phát triển của doanh nghiệp”, bà Thủy bày tỏ.
Đồng thời đề nghị, điều chỉnh nội dung này theo hướng: “Hoặc bỏ quy định về ký quỹ hoặc phương án khác là trong thời gian đề nghị cấp phép thì có thể phong tỏa khoản ký quỹ, nhưng khi đã được cấp giấy phép thì khoản tiền ký quỹ phải được giải tỏa 100% để doanh nghiệp hoạt động”.