Phân tích - Bình luận

Trung Quốc "thống trị" đường sắt tốc độ cao nhờ đâu?

Nam Trần 29/09/2024 03:00

Đường sắt tốc độ cao đã trở thành biểu tượng cho phát triển hạ tầng giao thông trên toàn cầu mà Trung Quốc đang là một cái tên nổi bật.

2024-08-13t000000z_1026337302_mt1nurpho0007u6klp_rtrmadp_3_national-railways-send-passengers-1024x683.jpg
Trung Quốc tiến bộ vượt bậc trong ngành đường sắt tốc độ cao (Ảnh: East Asia Forum)

Trung Quốc tăng trưởng thần tốc

Trung Quốc chỉ mới bắt đầu phát triển đường sắt tốc độ cao từ đầu thế kỷ 21 nhưng đã nhanh chóng bứt phá so với các nền kinh tế phát triển khác.

Tốc độ tăng trưởng thần tốc của quốc gia này thể hiện qua những con số thống kê. Đến năm 2024, Trung Quốc đã sở hữu hơn 45.000 km đường ray tốc độ cao, sử dụng các tàu như Fuxing, đạt tốc độ lên đến 350 km/h.

Nếu như những năm 2000, Trung Quốc phải phụ thuộc vào các công ty nước ngoài như Alstom hay Siemens để làm đường sắt tốc độ cao, thì chỉ trong một thời gian ngắn các kỹ sư nước này đã có thể tự phát triển các giải pháp nội địa tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa lý và quy mô rộng lớn của quốc gia.

Cùng với chi phí nhân công và nguyên vật liệu rẻ, ngành công nghiệp này của Trung Quốc còn nhận được hậu thuẫn tài chính khổng lồ từ chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước (SOE), giúp Trung Quốc triển khai các dự án nhanh chóng với chi phí thấp hơn, chỉ từ 17 đến 21 triệu USD/km.

Ở châu Âu, chi phí xây dựng trung bình mỗi km đường sắt tốc độ cao khoảng từ 20 đến 30 triệu euro trong những năm 2020, cao hơn so với nhiều khu vực khác do các quy định về bảo vệ môi trường và chi phí lao động. Dù vậy, các hệ thống của châu Âu được đánh giá cao hơn ở tiêu chuẩn an toàn và môi trường nghiêm ngặt.

Tác động to lớn của đường sắt tốc độ cao tới sự phát triển kinh tế là điều không phải bàn cãi. Điển hình như tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318 km, được khánh thành năm 2011, đã tạo sức bật lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Với tốc độ lên tới 350 km/h, tuyến này giúp giảm thời gian di chuyển giữa hai trung tâm kinh tế từ hơn 10 giờ xuống dưới 5 giờ, giúp tăng cường giao thương và hoạt động kinh tế giữa Bắc Kinh và Thượng Hải.

Theo Ngân hàng Thế giới, tuyến đường này đóng góp 0,3% vào GDP quốc gia trong những năm đầu vận hành, thúc đẩy các ngành dịch vụ, tài chính, và công nghệ cao. Ngoài ra, tuyến đường cũng giúp phát triển du lịch và thúc đẩy đầu tư bất động sản tại các thành phố dọc đường như Tế Nam, Nam Kinh và Tô Châu. Tuy nhiên, nó cũng đối mặt với thách thức về chi phí bảo trì lớn do nhu cầu vận hành cường độ cao.

China safety
Đổi lại chi phí thấp là những nỗi lo về an toàn và tiến độ dự án (Ảnh: ThinkChina)

Còn nhiều nỗi lo

Trong khi thế mạnh của công nghệ đường sắt tốc độ cao châu Âu nằm ở tính an toàn và ổn định nhờ các tiêu chuẩn rất cao và hệ thống kiểm soát tín hiệu tiên tiến, các dự án của Trung Quốc thường được xem xét bởi chi phí thấp hơn nhiều.

Dù vậy, tốc độ tăng trưởng quá nhanh có thể dẫn tới những lo ngại về độ an toàn. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, mức độ nở rộ quá lớn có thể gây áp lực lớn lên hệ thống quản lý và bảo trì trong tương lai của ngành đường sắt Trung Quốc.

Tại nạn tại Wenzhou năm 2011 là một minh chứng rõ nét, khi 2 tàu cao tốc va chạm nhau trên tuyến đường sắt cao tốc giữa Hàng Châu và Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang. Vụ tai nạn khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thường, biến đây trở thành một trong những sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử đường sắt Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc dàn trải các dự án ra ngoài nước cũng khiến gây ra nhiều lo ngại về vốn và tiến độ cam kết. Hợp tác phát triển đường sắt cao tốc là một trong những trọng tâm của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, nơi nhiều quốc gia ở châu Phi, Đông Nam Á và thậm chí là châu Âu đã tham gia. Tuy nhiên, triển vọng hoàn thành một số dự án bị đe dọa bởi những vướng mắc về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định.

Điển hình, tuyến đường ray kết nối Budapest (Hungary) với Belgrade (Serbia), dài khoảng 350 km đã nhiều lần bị trì hoãn do việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu.

Hay như ở Indonesia, dự án đường sắt tốc độ cao dài 142 km có sự tham gia của tập đoàn Trung Quốc China Railway International với tổng mức đầu tư ban đầu là 6 tỷ USD cũng bị lùi tiến độ tới 4 năm. Khởi công từ 2016 nhưng tới năm 2023 mới hoàn thành, đồng thời chi phí dự án đã bị đội lên gần 2 tỷ USD so với dự toán ban đầu.

Nam Trần