Doanh nghiệp

Tối ưu hiệu suất đội nhóm trong doanh nghiệp

L.Nga 28/09/2024 09:37

Các tổ chức ưu tiên văn hóa đồng cảm, trách nhiệm, tin tưởng và công nghệ hỗ trợ sẽ duy trì lợi thế cạnh tranh và đạt hiệu quả cao.

Nhắc lại một câu rất hay và ấn tượng “nhân tài có khả năng giúp cho chúng ta thắng trận đấu, nhưng tinh thần đồng đội và đội ngũ giúp cho chúng ta giành chức vô địch”, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dale Carnegie Việt Nam, cho biết người lãnh đạo và quản lý cần hiểu rằng sức mạnh tổng hợp mới mang chúng ta đến thành công, không phải cá nhân của mỗi con người tỏa sáng. Thông điệp mà chúng tôi mang đến là “TEAM makes Miracles”, có nghĩa chúng ta sẽ xây dựng một đội ngũ sẽ mang đến kỳ tích cho tổ chức.

4.1.png
Để tạo ra đội nhóm có hiệu suất cao cần phải đầu tư vào con người, vào văn hóa và vào công nghệ.

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh cũng chia sẻ câu chuyện về đội nhóm truyền cảm hứng gần đây, đó là những nữ thổ dân Bolivia chinh phục các đỉnh núi cao. Theo đó, tại Bolivia, một nhóm các phụ nữ dân tộc thiểu số tạo ra nhiều ấn tượng khi họ lần lượt chinh phục nhiều ngọn núi cao nhất tại khu vực Nam Mỹ, hơn thế nữa, họ leo núi không phải bằng trang phục leo núi bình thường mà là những bộ váy truyền thống. Họ đã chinh phục được ngọn núi Aconcagua của Argentina, ngọn núi cao nhất châu Mỹ với độ cao gần 7 km và ngọn núi del Salado của Chile, vốn được biết đến là ngọn núi lửa cao nhất thế giới.

“Họ đoàn kết và cùng với nhau tìm ra được tiếng nói tự do, tìm ra được những khát vọng mới và truyền được cảm hứng cho biết bao nhiêu con người. Đó là một đội mà chúng ta mong muốn” – bà Linh nói và nhấn mạnh rằng - “Trong câu chuyện của đội ngũ thì mục tiêu, lý tưởng, tầm nhìn, sự hi sinh, sự hỗ trợ nhau là yếu tố quan trọng vì chúng ta mong muốn các kết quả này mang tính bền vững”.

Từ đó, vị Tổng Giám đốc Dale Carnegie Việt Nam gợi mở vấn đề “Vậy thì câu chuyện của chúng ta là làm sao để tạo ra một đội ngũ vững mạnh, đáng tin cậy và có khả năng thích ứng với những thay đổi không ngừng của thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải đầu tư vào con người, vào văn hóa và vào công nghệ. Chúng ta cần phải tạo ra một môi trường làm việc mà mọi người cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe và được khuyến khích phát triển. Chúng ta cần phải xây dựng một văn hóa đội nhóm mà mọi người đều cảm thấy mình là một phần quan trọng của một mục tiêu chung và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu đó”.

Các chuyên gia của Dale Carnegie cũng cho rằng, các tổ chức ưu tiên văn hóa đồng cảm, trách nhiệm, tin tưởng và công nghệ hỗ trợ sẽ duy trì lợi thế cạnh tranh và khai thác các quan điểm đa dạng cần thiết cho sự đổi mới và tạo ra các nhóm có hiệu quả cao.

Trong kết quả nghiên cứu của Dale Carnegie với 2.650 người trên toàn cầu và chuyên gia trong lĩnh vực này mới đây, cho thấy thực tế mặc dù hầu hết các đội nhóm (96%) thừa nhận rằng ít nhất họ đã đạt được mục tiêu về hiệu suất của mình, nhưng thực tế là chưa đến một phần ba trong số đó (30%) được xem là những người có hiệu quả làm việc cao, vượt mục tiêu của họ trong năm qua. Sự khác biệt này không phải là kết quả của công nghệ từ xa, mà đó là sự phản ánh quy trình làm việc nhóm và văn hóa tồn tại thực chất của tổ chức.

Theo đó, báo cáo nêu bật 7 yếu tố thiết yếu mà các tổ chức có thể tập trung để nâng cao hiệu suất của đội ngũ, biến các nhóm làm việc bình thường thành những nhóm làm việc hiệu quả cao bao gồm: Mục đích và tầm nhìn rõ ràng, Đồng bộ trong nhận thức, Thấu hiểu động lực, Giao tiếp tường tận, Thích nghi và làm chủ, Hợp tác liên chức năng, Tận dụng sức mạnh công nghệ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các đội ngũ làm việc hiệu quả không tự nhiên mà có. Những nhà lãnh đạo chủ động, hiểu rằng kết quả của đội ngũ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của họ, sẽ tăng cơ hội đạt được mục tiêu và trở thành những nhóm làm việc hiệu quả cao.

Thế giới đang chuyển dịch từ khái niệm VUCA (Biến động, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ) sang BANI (Mong manh, lo lắng, phi tuyến tính, khó hiểu), phản ánh những thách thức mới mà chúng ta phải đối mặt, đòi hỏi doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo, quản lý phải thích ứng và đổi mới liên tục để đối phó.

“Trong bối cảnh kinh doanh đầy biến động hiện nay, việc nâng cao năng lực lãnh đạo được coi là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc khai thác và phát huy nội lực của các nhà lãnh đạo không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đó chính là con người”, bà Linh nhấn mạnh và cho rằng, 3 hoạt động quan trọng mà các nhà lãnh đạo cần chú trọng gồm: Phát triển năng lực lãnh đạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển đội ngũ - nguồn lực. Một khi đã tập trung vào 3 hoạt động quan trọng này thì bà Linh tin rằng, các nhà lãnh đạo sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự thành công lâu dài của tổ chức.

Dale Carnegie Việt Nam với Lộ trình tập trung phát triển năng lực lãnh đạo dành cho cá nhân và đội ngũ: “Lãnh đạo Khai tạo Nội lực” (Empowerment Leadership Roadmap - ELR).

Đây là một phần trong hệ thống chương trình tiêu chuẩn giúp phát triển năng lực của cá nhân trong tổ chức, nhằm khai thác và hoàn thiện nội lực của lãnh đạo cũng như đội ngũ nhân viên.

Khái niệm “khai tạo” trong ELR không chỉ dừng lại ở việc nhận diện và nuôi dưỡng tiềm năng mà còn tập trung vào việc phát huy nội lực để tạo ra những đột phá trong tư duy, nhận thức và hành vi. Từ đó, nâng cao hiệu quả công việc và kết quả kinh doanh.

L.Nga