Tín dụng - Ngân hàng

Gỡ rào cản cho thuê tài chính

Hà Anh 29/09/2024 11:09

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản hướng dẫn luật này có nhiều quy định cởi mở hơn đối với hoạt động của các công ty cho thuê tài chính...

Nhưng hoạt động này vẫn còn gặp khá nhiều rào cản.

hoi-nghi.jpg
Theo Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, dù Luật các TCTD 2024 đã có quy định nới lỏng hơn cho hoạt động cho thuê tài chính, nhưng các doanh nghiệp ngành này vẫn còn nhiều vướng mắc.

Do còn nhiều rào cản đối với hoạt động cho thuê tài chính, nên dư nợ cho thuê tài chính còn rất khiêm tốn. Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt khoảng 45 - 46 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,34% tổng dư nợ của nền kinh tế. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính chỉ khoảng 15 nghìn khách hàng trong tổng số 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1,5%.

“Dễ thở” hơn

Cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung và dài hạn có khá nhiều ưu điểm đối với các doanh nghiệp. Theo đó, khi đi thuê tài chính, các doanh nghiệp không phải thế chấp tài sản, giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản. Thông qua kênh này, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng có được máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất… Kênh vốn này lại càng hữu ích hơn khi các ngân hàng thương mại bị siết chặt hơn trong việc cấp tín dụng trung và dài hạn.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường cho thuê tài chính, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, với gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thêm vào đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh…, nhu cầu về thuê tài sản ở Việt Nam là rất lớn.

Trong khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản hướng dẫn luật này đã chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024 với nhiều quy định mở hơn. Đây sẽ là động lực để hoạt động cho thuê tài chính phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024, bên cạnh hoạt động cốt lõi là cho thuê tài chính, các công ty cho thuê tài chính còn được phép cho vay đối với khách hàng, chứ không chỉ đơn thuần là cho vay bổ sung vốn lưu động đối với bên thuê tài chính như quy định trước đây. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 cũng cho phép các công ty cho thuê tài chính sử dụng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản. Ngoài ra, các công ty cho thuê tài chính còn được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Thống đốc NHNN

Không chỉ vậy, theo Thông tư 26/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cho thuê tài chính, đối với hoạt động cho thuê tài chính có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng, cũng chỉ cần nắm bắt mục đích sử dụng vốn, không phải xây dựng phương án kinh doanh.

Với những yếu tố này, ông Hòe đánh giá tốc độ tăng trưởng dư nợ cho thuê tài chính năm 2024 có thể lên tới 20%, với tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt khoảng 50 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với năm 2023.

Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động cho thuê tài chính vẫn còn gặp khá nhiều rào cản. Đơn cử, Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định: "Chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú, tạm trú) tại địa phương nào thì phải đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó". Trong khi các công ty cho thuê tài chính đều đặt trụ sở tại Hà Nội và TP HCM. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu người thuê xe ô tô ở các tỉnh khác buộc phải kéo xe từ tỉnh về Hà Nội hoặc TP HCM để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số, gây mất thời gian, chi phí.

“Theo thống kê tại 4 công ty tài chính, nhiều khách hàng đã từ chối thuê tài chính với tổng số tiền từ các hợp đồng tín dụng không thực hiện được là hơn 400 tỷ đồng do các vướng mắc về thủ tục đăng ký biển, đổi biển... theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an. Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam đã có đề xuất cụ thể về biện pháp tháo gỡ…”, ông Hòe cho biết.

Bên cạnh đó theo các chuyên gia, hoạt động huy động vốn của các công ty tài chính là khá hạn chế khi chỉ được phép nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức; phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn của tổ chức; vay NHNN dưới hình thức tái cấp vốn; vay, nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…

Ngoài ra, còn những vướng mắc về đối tượng, sản phẩm cho thuê, cụ thể quy định pháp lý đối với hoạt động cho thuê tài chính được gộp chung với các ngân hàng thương mại, nên các công ty cho thuế tài chính đang bị hạn chế về đối tượng khách hàng và tài sản cho thuê. Vì các công ty cho thuê tài chính không có ưu thế về vốn và lãi suất như các ngân hàng thương mại.

Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang bị siết chặt hơn trong việc cấp tín dụng trung và dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan có liên quan cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý cho các công ty cho thuê tài chính để góp phần giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực về nguồn vốn trung và dài hạn.

Hà Anh