Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Còn băn khoăn về đối tượng chịu thuế, mức thuế

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 29/09/2024 04:30

Góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), không ít ý kiến còn băn khoăn về đối tượng chịu thuế, mức thuế…

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 Chương, 18 Điều, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây. Mặc dù đã bước vào giai đoạn cuối hoàn thiện, thế nhưng, không ít ý kiến còn băn khoăn về đối tượng chịu thuế, mức thuế.

sua-luat-thue-gia-tri-gia-tang-24.7.1.1.jpg
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 Chương, 18 Điều, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây - Ảnh minh họa

Đề cập đến quy định đối tượng không chịu thuế trong Dự thảo Luật (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh phân tích, ở Điều 5, Điểm 25 trong Dự thảo Luật quy định đối tượng không chịu thuế là: “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ…”.

Với mức doanh thu hằng năm hai trăm triệu đồng thì doanh thu một tháng chỉ 16 triệu đồng. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận bán hàng 6%, thu nhập nhận được một tháng sẽ là 1 triệu đồng. Việc quản lý thuế với cả các cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu nhỏ sẽ gia tăng chi phí thực hiện thu, hiệu quả thu ngân sách không cao.

Do đó, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu nâng mức doanh thu chịu thuế lên 360 triệu đồng, tức là 30 triệu đồng/tháng, vừa giảm chi phí quản lý thuế, giảm chi phí xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

sua-luat-thue-gia-tri-gia-tang-24.7.1.2.jpg
Tuy nhiên, xoay quanh các nội dung được đề xuất vẫn còn đó không ít băn khoăn về đối tượng chịu thuế, mức thuế - Ảnh minh họa

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, phát triển kinh tế nội địa, chuyển đổi hộ kinh doanh, cần có chế độ kế toán, thuế đơn giản, phù hợp. Vì thế, vị chuyên gia này kiến nghị giảm thuế suất thuế trực tiếp để khuyến khích áp dụng hình thức tính thuế này, đặc biệt là hoạt động sản xuất, vận tải, xây dựng.

“Cụ thể, áp dụng tỷ lệ % tính thuế trực tiếp với dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 3%, thay vì 5% như Dự thảo Luật; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 2%, thay vì 3% như Dự thảo”, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa góp ý.

Đồng quan điểm, tham gia góp ý tại Điều 5 quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm là chưa hài hòa lợi ích người nộp thuế và ngân sách, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nâng ngưỡng thu nhập phải chịu thuế.

Cùng với vấn đề đã nêu, tham gia góp ý về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, trong thực tế không phải tất cả các khoản thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ đều đủ điều kiện được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì vậy, cần bổ sung quy định khoản thuế giá trị gia tăng được tính vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp khi đáp đứng các điều kiện của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật cần làm rõ khái niệm “không được khấu trừ” bao gồm: Không đủ điều kiện khấu trừ theo quy định của Pháp luật thuế giá trị gia tăng và đủ điều kiện khẩu trừ nhưng người nộp thuế không kê khai khấu trừ theo quy định để đảm bảo thống nhất cách hiểu cũng như tránh những hướng dẫn chưa phù hợp.

Theo vị chuyên gia này, trong thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã có những văn bản hướng không cho tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của số thuế giá trị gia tăng đầu vào đủ điều kiện khấu trừ nhưng doanh nghiệp không kê khai khấu trừ là chưa phù hợp với pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do vậy, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần quy định đối với số thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài những nội dung nêu trên, góp ý về bổ sung các trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng, một số ý kiến cũng cho rằng, theo Dự thảo quy định cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% thì được hoàn thuế là khá phù hợp với thực tế.

Vì vậy, để đảm bảo tính thực tiễn cũng như tính công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ “không phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng”, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cần cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng khi doanh nghiệp chỉ kinh doanh hàng hóa dịch vụ không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn