Nghiên cứu - Trao đổi

Vẫn nhức nhối “nội chiến” chung cư

Khôi Nguyên 29/09/2024 04:00

Việc thành viên Ban quản trị Chung cư Osaka Complex (quận Hoàng Mai) bị bắt giam khiến nhiều người lo ngại về tình trạng tranh chấp tại các chung cư hiện nay…

Tình trạng xung đột, tranh chấp xảy ra tại các nhà chung cư vẫn diễn biến dai dẳng và phức tạp. Thực tế, trong nhiều tranh chấp chung cư diễn ra gần đây, chưa có vụ việc nào được giải quyết dựa trên các thỏa thuận giữa các bên. Nhiều vụ việc làm tốn khá nhiều giấy mực báo chí, trong khi chính quyền địa phương mất nhiều thời gian, công sức hòa giải, nhưng căng thẳng vẫn kéo dài…

van-nhuc-nhoi-noi-chien-chung-cu-1.jpg
Doanh nghiệp sở hữu Kiot thương mại dịch vụ tại chung cư B6 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) bị thiệt hại nặng nề do Ban quản trị toà nhà này ngăn cản hoạt động. Ảnh: N.G

Mâu thuẫn “leo thang” thành bạo lực

Như chúng tôi đã thông tin, tại chung cư B6 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), mặc dù là chủ sở hữu Kiot thương mại dịch vụ hoàn toàn hợp pháp nhưng một doanh nghiệp luôn bị Ban quản trị tòa nhà cản trở quyền kinh doanh hợp pháp.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp, suốt thời gian qua, doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng nề do không thể kinh doanh. Một khoản lớn kinh phí phía đối tác đã đầu tư nhưng đã phải dỡ bỏ vì sự ngăn cản bất chấp từ Ban quản trị tòa nhà. Thậm chí, dù biển bảng quảng cáo của đơn vị đã được cơ quan chức năng cấp phép và chính quyền địa phương đồng ý, nhưng nhiều lần tiến hành lắp đặt đều bị nhân sự quản lý tòa nhà ngăn cấm.

Đáng nói, sự việc đã diễn ra suốt thời gian dài, dù doanh nghiệp nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng địa phương nhưng kết quả vẫn không thể xử lý.

Cũng tại Thủ đô Hà Nội, địa bàn quận Hoàng Mai được cho là một trong những nơi có nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nhất thành phố với hàng chục toà nhà chung cư thường xuyên xảy ra xung đột, đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để khiến tình hình an ninh trật tự tại địa phương luôn phức tạp. Trong đó phải kể đến những tranh chấp tại chung cư Phương Đông Green Park (số 1 Trần Thủ Độ) và chung cư Osaka Complex (ngõ 48 Ngọc Hồi trên địa bàn phường Hoàng Liệt) luôn là tâm điểm dư luận.

Trong đó, tranh chấp tại chung cư Osaka Complex (ngõ 48 Ngọc Hồi trên địa bàn phường Hoàng Liệt) đã đạt đỉnh điểm khi những vụ việc mất an ninh trật tự, hành hung, huỷ hoại tài sản... liên tiếp xảy ra.

Trong một diễn biến mới nhất, Cơ quan Công an quận Hoàng Mai vừa tiến hành bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Bích Diệu (Trưởng ban Quản trị Chung cư Osaka Complex); Doãn Hoàng Long (Phó ban Quản trị); Nguyễn Công Đoàn (Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận hành quản lý toà nhà Tân Phong) về tội cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.

Được biết, trước đó, Công ty TNHH Nam Minh Hoàng (đơn vị quản lý vận hành hợp pháp tại chung cư Osaka Complex) có phản ánh, các ngày 2/3/2024, 4/3/2024, đơn vị triển khai lắp đặt biển báo và hệ thống camera bảo vệ an ninh trật tự trong khuôn viên dự án, trong đó có tuyến đường nằm ngoài phạm vi toà nhà Chung cư Osaka Complex là lối vào khu vực làm việc của Ban quản lý dự án của chủ đầu tư, tuyến đường vẫn do chủ đầu tư quản lý theo quy định pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Bích Diệu, Trưởng ban Quản trị nhà Chung cư Osaka Complex kêu gọi, hô hào nhiều người xuống ngăn cản việc lắp camera của Công ty TNHH Nam Minh Hoàng. Sau đó, cán bộ Công an phường, quận đã tiến hành giải thích việc lắp đặt biển báo, camera để bảo vệ an ninh trật tự là hợp pháp, phù hợp với quy định pháp luật.

Tuy nhiên, 19 giờ 30 phút ngày 4/3/2024, “nhóm người cầm đầu” cùng một số cư dân tiếp tục xuống khu vực bốt bảo vệ của Công ty TNHH Nam Minh Hoàng tiến hành tổ chức cắt phá, tháo dỡ toàn bộ dây, thiết bị, camera tại vị trí Công ty TNHH Nam Minh Hoàng đã lắp, bao gồm cả hệ thống camera cũ (đã lắp trước đây) và hệ thống camera mới vừa lắp bổ sung, phá hoại tài sản, gây mất an ninh trật tự ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội.

van-nhuc-nhoi-noi-chien-chung-cu-2.jpeg
Một số đoạn dây cáp bị cắt phá tại chung cư Osaka Complex (ngõ 48 Ngọc Hồi trên địa bàn phường Hoàng Liệt). Ảnh: Cắt từ clip

Cư dân cần tỉnh táo

Nhìn lại những cuộc “nội chiến” đang xảy ra tại các chung cư hiện nay, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, hiện nay nội dung quản lý vận hành nhà chung cư đã được điều chỉnh bởi pháp luật nói chung và pháp luật chuyên ngành như: Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014… Tuy nhiên, luật sư nhấn mạnh rằng, dù đã được quy định trong luật, nghị định hướng dẫn thi hành và thông tư, nhưng các tranh chấp vẫn ngày càng gia tăng là một vấn đề cần thiết phải xem xét.

Chia sẻ rõ hơn về điều này, luật sư Biên lý giải rằng, những quy định hiện hành mới chỉ đáp ứng được nhu cầu khắc phục giải quyết các vướng mắc chủ yếu trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.

“Tuy nhiên, mối quan hệ trong lĩnh vực sử dụng, quản lý nhà chung cư vẫn rất phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa hoàn thiện kịp thời so với sự phát triển của các mối quan hệ xã hội tại các tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan quản lý cũng không thể can thiệp mạnh mẽ”, luật sư Nguyễn Đức Biên nói.

Cũng theo luật sư, tranh chấp tại các toà nhà chung cư vẫn đang là vấn đề chưa có hồi kết. Có nhiều trường hợp người dân và chủ đầu tư không thể ngồi cùng nhau để tháo gỡ. Do vậy cần phải sử dụng các quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp và xung đột.

“Khi quyền lợi các bên đều bị ảnh hưởng thì cần thiết phải áp dụng quy định của pháp luật để tiến hành giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp”, luật sư Biên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cũng cho rằng, mâu thuẫn, tranh chấp liên miên tại nhiều chung cư đã trở thành vấn đề phức tạp trong xã hội, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do nhiều kẽ hở pháp lý.

“Chính vì vậy, trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc thì ngay chính người dân sống tại các khu chung cư cũng phải hết sức tỉnh táo để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tranh đấu chỉ để phục vụ cho nhóm lợi ích”, luật sư Nhung nói.

Đặc biệt, luật sư cũng cho rằng, với chính quyền địa phương, khi có tranh chấp, khiếu kiện tại khu chung cư thì cần khẩn trương vào cuộc, không thể coi đó là chuyện nội bộ của chung cư, càng không thể để mâu thuẫn tích tụ kéo dài.

“Chống tiêu cực, ngăn chặn “nhóm lợi ích” từ Ban quản trị chung cư (nếu có) là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người dân; đặc biệt trong bối cảnh chung cư ngày càng phát triển hiện nay”, luật sư Lê Thị Nhung nhấn mạnh.

Khôi Nguyên