4 thách thức lớn trong chuyển đổi số hiện nay
Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Ông Đức Đỗ - CEO ETLABS Australia:
Bằng cách tận dụng các công nghệ mới nổi, các công ty có thể nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện trải nghiệm khách hàng và khai thác các nguồn thu nhập mới. Tuy nhiên, những thách thức như hiệu quả của các khung pháp lý, khoảng cách kỹ năng, sự chưa sẵn sàng từ cấp lãnh đạo, và rủi ro an ninh mạng phải được giải quyết để các doanh nghiệp có thể thành công. Đây cũng là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, cụ thể:
Thứ nhất, khoảng cách kỹ năng và phát triển lực lượng lao động. Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội lớn, nhưng nó cũng phơi bày khoảng cách kỹ năng trong lực lượng lao động. Ở Việt Nam, nhiều lao động còn thiếu các kỹ năng về số hóa và kỹ thuật cần thiết để vận hành các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu tiên tiến. Sự thiếu hụt kỹ năng này đặt ra trở ngại lớn đối với việc áp dụng công nghệ số thành công, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vốn không có nhiều nguồn lực để đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên.
Thứ hai, lãnh đạo và sự thay đổi văn hóa. Chuyển đổi số đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ, cởi mở với sự thay đổi và sẵn sàng đón nhận cái mới. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp truyền thống tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo có thể không chấp nhận với việc áp dụng công nghệ mới do lo ngại với sự thay đổi hoặc chưa hiểu rõ về lợi ích mà các công nghệ này mang lại. Hơn nữa, chuyển đổi số còn đòi hỏi thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp - nơi sự đổi mới, linh hoạt và hợp tác trở thành các giá trị trung tâm. Sự thay đổi văn hóa này có thể khó đạt được, đặc biệt trong các tổ chức có cấu trúc phân cấp, nơi quá trình ra quyết định mất nhiều thời gian.
Thứ ba, rủi ro về quyền riêng tư và an ninh mạng. Khi các doanh nghiệp ngày càng dựa vào các nền tảng kỹ thuật số và phân tích dữ liệu, họ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu. Tại Việt Nam, nền kinh tế số vẫn còn khá non trẻ, và nhiều doanh nghiệp chưa có các biện pháp an ninh mạng đủ mạnh để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm. Điều này đặt ra rủi ro đáng kể cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt khi thương mại điện tử và các giao dịch trực tuyến ngày càng phát triển. Đảm bảo quyền riêng tư và tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu trong nước và quốc tế là một thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt để xây dựng niềm tin với khách hàng.
Thứ tư, tích hợp hệ thống cũ. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lâu đời, đang dựa vào các hệ thống cũ không tương thích với các công nghệ số hiện đại. Việc tích hợp các hệ thống cũ này với các nền tảng số mới có thể phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi từ các quy trình truyền thống sang quy trình số có thể gây ra sự gián đoạn trong hoạt động, dẫn đến mất năng suất tạm thời.