Thái Bình: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số
Xác định phát triển doanh nghiệp công nghệ số là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiện lợi trong hoạt động sản xuất
Thời gian qua, các cấp ngành tỉnh Thái Bình đã xác định chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó góp phần tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số.
Là một trong những doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, được xây dựng trên diện tích hơn 5ha, gồm 5 nhà xưởng, 24 dây chuyền hoạt động hết công suất, thời gian qua, Công ty TNHH Plummy Garment Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy lập trình, máy trải vải, máy dập sơ đồ.
Trong đó công ty đã triển khai ứng dụng các giải pháp số hóa trong hoạt động quản trị doanh nghiệp như hệ thống chấm công tự động; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng, liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt…, qua đó từng bước nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các đơn hàng.
Ông Nguyễn Quang Trung - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần giảm chi phí, công sức cho người lao động, tăng giá trị sản phẩm và tạo được sức hút với khách hàng. Cùng với đó, với vị trí địa lý thuận lợi cộng thêm nguồn lao động dồi dào đã giúp Công ty có doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện đơn hàng đã được ký kết đến hết năm 2024.
Ông Trung cho biết thêm, từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung bình mỗi tháng Công ty TNHH Plummy Garment Việt Nam sản xuất gần 100.000 sản phẩm quần, áo xuất đi các nước châu Âu, châu Mỹ…, tạo việc làm ổn định cho 1.200 lao động.
Còn ông Đặng Việt Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty May Việt Thái cho biết: Nhờ có máy móc tự động hóa sản xuất, chúng tôi giảm được tỷ lệ sản phẩm lỗi nên năng suất lao động cao hơn và thu nhập cũng tăng lên. Hiện công ty đang áp dụng nhập xuất hàng hóa bằng mã vạch, mã QR. Ông Long cũng cho biết thêm, việc nhận dạng tự động thay thế ghi chép bằng tay nên giúp giảm nhân công, tiết kiệm thời gian, dẫn đến tăng hiệu suất công việc.
Thúc đẩy phát triển
Theo định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới, cốt lõi là công nghệ số (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật...) tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần giúp kinh tế Thái Bình bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ông Hoàng Ngọc Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Hưng Hà cho biết: Toàn huyện hiện có trên 500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động. Các doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh, 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế và nộp thuế điện tử. Việc chuyển đổi số trong công tác quản lý doanh nghiệp và trong sản xuất đang góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo ông Thảo, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chính vì vậy chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; mở rộng thị trường bằng việc không ngừng cập nhật sản phẩm và mở kênh bán hàng mới trên các nền tảng như facebook, zalo và các sàn thương mại điện tử; tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức giúp cán bộ quản lý doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lộ trình chuyển đổi số, cải cách hành chính trong doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số thuận lợi.
Theo ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội tỉnh Thái Bình: Phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Thái Bình. Doanh nghiệp công nghệ số cần đi đầu, tạo đột phá, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp mô hình kinh doanh mới.
Được biết, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%...
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Thái Bình đang tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; tiếp tục triển khai việc sử dụng hóa đơn điện tử và thuế điện tử tới các doanh nghiệp.
Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích các HTX DVNN đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể.
Chuyển đổi số đang tạo cú hích mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nền kinh tế số của tỉnh Thái Bình.