Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần đảm bảo toàn diện, đồng bộ pháp luật

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 29/09/2024 11:00

Góp ý sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần có phương pháp tiếp cận mới đảm bảo đồng bộ, toàn diện các luật trong lĩnh vực thuế.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi (Dự thảo Luật) đã bám sát theo các nhóm chính sách tại Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Dự thảo Luật đã được Quốc hội đồng ý. Đồng thời, luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Theo đó, Dự thảo Luật gồm 04 chương, 20 điều.

Tuy nhiên, cho ý kiến về Dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất của pháp luật.

QT2_8942 (1)
Cho ý kiến về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất của pháp luật

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao Hồ sơ và Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Song, theo ông Tùng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật này.

“Chính phủ và Ủy ban Tài chính, Ngân sách cần nghiên cứu, phương pháp sửa đổi, thẩm tra một số thuế, trong đó có Dự thảo Luật này để có cách tiếp cận chung về thuế, đảm bảo việc sửa đổi thuế đáp ứng được theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các vấn đề, chính sách được miễn trừ thuế”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong quá trình chỉ đạo điều hành, thực hiện Luật, theo ông Hoàng Thanh Tùng, những nhiệm vụ nào Quốc hội giao chi tiết cho Chính phủ thực hiện, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải triển khai cũng cần được quy định rõ

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, tiếp tục có giải trình làm rõ thêm liên quan đến điều chỉnh Luật đối với vấn đề đánh thuế trong bối cảnh thực hiện quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết 107/2023/QH15 của Quốc hội mới giải quyết 2 vấn đề liên quan đến quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, còn 2 nội dung chưa được giải quyết liên quan đến quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu và quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu.

“Hai vấn đề này luật không giải quyết, nghị quyết không giải quyết, nghị quyết chưa quy định, luật không đưa nội dung này vào. Vậy sẽ xử lý như thế nào để đảm bảo các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất…”, ông Tùng chia sẻ và đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình làm rõ thêm để có cơ sở báo cáo với Quốc hội.

Ngoài ra, về quy định cụ thể liên quan đến nội dung của Dự thảo Luật này, đại diện Ủy ban Pháp luật cho rằng, có rất nhiều quy định đang được luật hóa từ các nghị định và thông tư hiện hành liên quan đến quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, khi luật hóa vào trong Dự thảo Luật sẽ có những quy định sẽ rất sớm lỗi thời hoặc là vừa thừa, vừa thiếu…

87 (2) (1)
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có phương pháp tiếp cận mới đảm bảo đồng bộ, toàn diện các luật trong lĩnh vực thuế.

Đồng tình với các nội dung trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban tài chính ngân sách, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ quan ngại, theo thông lệ quốc tế, các nước tập trung vào đánh thuế trực thu hơn thuế gián thu, nhưng các chính sách thuế của Việt Nam bây giờ chưa theo thông lệ của quốc tế. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Luật cân nhắc các mức thuế suất giữa các luật về thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm nguyên tắc phân phối và phân phối lại của thuế, tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

“Có thể trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật này chưa cập nhật được các định hướng chính sách mới của cơ quan có thẩm quyền, cần phải tiếp tục nghiên cứu, chúng ta vẫn còn thời gian để tiếp thu”, ông Thanh bày tỏ.

Nhấn mạnh phạm vi sửa đổi của Luật cần phải có tính chất toàn diện hơn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần làm rõ sửa điểm nào, vì sao phải sửa, với tinh thần "vướng cái gì thì sửa ngay cái đó; nội dung nào đã chín, đã rõ thì sửa ngay; nội dung nào chưa chín, chưa rõ thì nghiên cứu thêm".

Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung sửa đổi phải tốt hơn nội dung cũ, tránh ban hành quy định mới lại khó thực hiện hơn quy định cũ, dẫn đến tình trạng "giữ cái cũ còn hay hơn".

"Mục tiêu cuối cùng của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp là bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định, nâng cao tỉ lệ động viên thu nội địa, khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế xói mòn cơ sở thuế; bảo đảm công bằng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế", Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến thảo luận, làm việc tích cực, nếu bảo đảm chất lượng có thể trình Dự thảo Luật này ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024, nếu chưa bảo đảm thì trình vào Kỳ họp sau đó.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn