Kinh tế địa phương

Quảng Nam: Các địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp phải thúc tiến độ từng dự án

Tuấn Vỹ 30/09/2024 14:12

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp tập trung vào các dự án để thúc tiến độ về giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam và báo cáo của các đơn vị, địa phương, tính đến hết ngày 31/7/2024, có 05/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh (<29,7%). Trong đó gồm TP. Hội An, Thị xã Điện Bàn, huyện Quế Sơn, huyện Nông Sơn và huyện Bắc Trà My.

Từ đầu năm 2024, tỉnh Quảng Nam đã đặt kế hoạch giải giân 100% vốn đầu tư công. Tuy nhiên, với tỷ lệ giải ngân như hiện nay đã khiến địa phương lo lắng, trong đó vướng mắc lớn nhất xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

385c1ff0a72b0075593a.jpg
Có 05/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh Quảng Nam.

Điển hịnh như Thị xã Điện Bàn, đến ngày 30/8, kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 16,6%. Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Điện Bàn tập trung triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024.

Đồng thời, địa phương này cũng phải tập trung xử lý nợ tạm ứng vốn đầu tư. Đề nghị Ban Thường vụ Thị uỷ Điện Bàn phân công các đồng chí Ủy viên Ban tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu lãnh đạo Thị xã Điện Bàn phân loại cụ thể đối với từng dự án (chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, đang triển khai thực hiện, đã thực hiện xong nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán…) để có phương án chỉ đạo phù hợp, sát tình hình thực tế.

Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 cũng yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn có văn bản cam kết với UBND tỉnh về tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao trên địa bàn; định kỳ 02 tuần/lần gửi báo cáo kết quả thực hiện về Tổ công tác số 2 theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn đã được bố trí cho các dự án trước ngày 31/12/2024.

“Trường hợp có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn thì có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề xuất điều chuyển vốn từ các dự án trên địa bàn thị xã không có khả năng giải ngân theo kế hoạch”, ông Phan Tái Bình chỉ đạo.

Đối với dự án cụ thể như cầu và đường ĐH14.ĐB (gđ1) thị xã Điện Bàn Dự án có khối lượng hoàn thành 90% (phần cầu) và 80% (phần đường dẫn), do hạng mục đường ĐH 14 của Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hội An đã được UBND tỉnh cho chủ trương dừng kỹ thuật nên không thể hoàn thành theo dự án được duyệt, địa phương cần nêu rõ các khó khăn trong việc thi công, khảo sát, đánh giá cụ thể về đề xuất dự án mới đầu tư, giai đoạn tiếp theo. Qua đó, tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét ưu tiên đăng ký dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nhằm phát huy tính hiệu quả đầu tư của dự án đường ĐH14, trước mắt ưu tiên tập trung thực hiện việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án mới.

3634866fa7ec01b258fd.jpg
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tập trung phấn đấu giải ngân 100% vốn năm 2022, 2023 kéo dài và 100% vốn sự nghiệp của các Chương trình mục tiêu năm 2024.

Với dự án đường và Cầu ĐH7 qua sông Vĩnh Điện, UBND thị xã Điện Bàn khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các vướng mắc của các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, nhất là các trường hợp mất hồ sơ 299 và các trường hợp thu hồi đất có diện tích còn lại lớn hơn 50m2…trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định

Tại buổi kiểm tra vừa qua, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 cũng đã yêu cầu huyện Bắc Trà My thực hiện các giải pháp thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tại huyện Bắc Trà My, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung tháo gỡ, giải quyết như tiến độ giải ngân đến cuối tháng 8/2024 còn thấp (25,1% so với kế hoạch). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 26,1%, vốn ngân sách tỉnh đạt 20,4%, vốn ngân sách huyện đạt 27,1%.

Trước tình trạng trên, ông Tuấn yêu cầu huyện Bắc Trà My phải có văn bản cam kết với UBND tỉnh về tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao trên địa bàn, định kỳ 02 tuần/lần gửi báo cáo kết quả thực hiện về Tổ công tác số 3 theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, tập trung xử lý nợ tạm ứng vốn đầu tư theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6581/UBND-KTTH ngày 30/8/2024.

Ông Tuấn đề nghị UBND huyện Bắc Trà My phối hợp với các chủ đầu tư tiếp tục bám sát mục tiêu kế hoạch, triển khai thực hiện hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ được duyệt, trong đó UBND huyện phải bảo đảm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Đặc biệt với dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam, địa phương tập trung chỉ đạo, phối hợp với chủ đầu tư để tháo gỡ các vướng mắc về bố trí tái định cư cho các hộ để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai thực hiện dự án,...

“Yêu cầu các chủ đầu tư tích cực phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm hoàn thành giải ngân 100% vốn theo kế hoạch được duyệt”, ông Trần Anh Tuấn chỉ đạo.

Đối với các dự án đầu tư công do huyện làm chủ đầu tư (ngoài các Chương trình mục tiêu quốc gia), UBND huyện Bắc Trà My phải đánh giá lại từng nhóm dự án, nguồn vốn, các vướng mắt để tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng lộ trình đề ra, tuyệt đối không để thu hồi kế hoạch vốn được giao, nhất là nguồn vốn Trung ương.

“Thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, ngoài ra dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong thời gian đến, do vậy huyện cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nhằm hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Xác định lại các nội dung công việc, từng nhiệm vụ, từng danh mục dự án, nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia, trách nhiệm của các Phòng, ban, địa phương là chủ đầu tư được giao thực hiện các nhiệm vụ, trên cơ sở đó, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao trách nhiệm.

Trong thời gian còn lại của năm 2024, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tập trung phấn đấu giải ngân 100% vốn năm 2022, 2023 kéo dài và 100% vốn sự nghiệp của các Chương trình mục tiêu năm 2024. Trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo thời gian quy định mà không phải do nguyên nhân khách quan, sẽ xem xét kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Tuấn Vỹ