Chính trị

Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu gần 10.000 tỷ đồng

Lam Song 29/09/2024 12:03

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác dự lễ khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Km19+000 – Km53+000 đoạn qua tỉnh Hòa Bình).

kiemtra.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hướng tuyến cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Km19+000 – Km53+000 đoạn qua tỉnh Hòa Bình) có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, quy mô 2 làn đường, chiều dài 34 km. Dự án có điểm đầu thuộc thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, Hòa Bình; điểm cuối ở xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).

Giai đoạn đầu, đường được thiết kế 2 làn xe, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường được thiết kế tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc 80km/h. Tuyến đường có 3 hầm, 30 cầu, trong đó 29 cầu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, một cầu dây văng vượt lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình và khu vực Tây Bắc.

Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc sẽ kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh Hòa Bình với tỉnh Sơn La và với Thủ đô Hà Nội, tạo nên trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La; hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

thutuong(2).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là sự kiện quan trọng, mốc son đánh dấu việc phát triển hạ tầng của vùng Tây Bắc và sự trưởng thành của tỉnh Hòa Bình – được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ góp phần thu hút đầu tư vào các địa phương mà tuyến đường đi qua với điểm nhấn là công trình cầu Hòa Sơn với chiều dài khoảng 1,2km, nhịp chính dây văng lớn nhất Việt Nam dài 550m. Cầu Hoà Sơn được thiết kế, xây dựng vượt hồ Hoà Bình, vị trí này nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình.

Đây là khu du lịch cấp quốc gia trọng điểm của vùng trung du - miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng. Ngoài ta, khu vực này là vùng sinh thái, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình.

Để dự án thực hiện thành công, hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Đà Bắc và huyện Mai Châu tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện các khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân phải thực sự phù hợp với thực tế và đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị chủ đầu tư bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật. Các nhà thầu thi công phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, rà soát, bámsát, có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình theo từng tuần, từng tháng.

khoicong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ khởi công cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc triển khai Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có 6 ý nghĩa lớn.

Thứ nhất, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về 3 đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng.

Thứ hai, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các địa phương về đầu tư phát triển hạ tầng, theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tỉnh Hòa Bình tham gia xây dựng một công trình trọng điểm quốc gia.

Thứ ba, góp phần tạo động lực, không gian phát triển mới, kết nối vùng trung du miền núi phía bắc với vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, qua đó giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nền kinh tế.

Thứ tư, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh (về cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch); tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Thứ năm, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế tại khu vực chiến lược Tây Bắc.

Thứ sáu, đáp ứng mong mỏi của nhân dân vùng Tây Bắc và đền đáp, tri ân những người đã hy sinh, cống hiến, nhân dân Tây Bắc đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng, của toàn dân tộc ta.

Thủ tướng khẳng định, dự án khởi công là thể hiện sự cố gắng chung nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Để dự án sớm hoàn thành và phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ cho tỉnh Hòa Bình, chính quyền các cấp của tỉnh cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu thi công, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian thi công dự án rút ngắn 1 năm, hoàn thành vào 31/12/2027. Xây dựng ngay phương án giai đoạn 2 của dự án, mở rộng thành 4 làn đường.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp tỉnh Hòa Bình quan tâm, chỉ đạo cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cũng như các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong thi công; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc phát sinh; tập trung quan tâm chăm lo ổn định nơi ăn chốn ở, thu xếp công việc và điều kiện sinh sống của đồng bào đã bàn giao mặt bằng cho dự án.

Lam Song