Chính trị - Xã hội

Kinh nghiệm khôi phục điện sau bão số 3: Huy động tổng lực cấp điện trở lại nhanh nhất

Đan Thanh 29/09/2024 13:17

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 26 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra

img0094-1727487479069358150343.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, 26 tỉnh, thành phố tập trung sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, một số tập đoàn kinh tế chủ chốt đã trình bày nhiều bài học kinh nghiệm qua công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão sỗ 3 vừa qua; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3, khôi phục việc cấp điện, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay, EVN đã cơ bản cấp điện trở lại cho 100% số khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão; cơn bão số 3 đã làm ảnh hưởng 6,4 triệu khách hàng trên tổng số 13 triệu khách hàng tiêu thụ điện ở miền Bắc. Hiện nay chỉ còn một vài khu vực đang ngập lụt, chủ yếu ở Hà Nội như các huyện Chương Mỹ, Ba Vì đang cắt điện do bị ngập bởi nước sông dâng cao, khi nào nước rút mới cấp điện trở lại vì sự bảo đảm an toàn chứ không phải vấn đề kỹ thuật.

431 khu công nghiệp, cụm công nghiệp có điện từ ngày 15/9; 2 khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong (tại Quảng Ninh) đã có điện từ ngày 16 và 17/9. Có 481 trạm bơm tiêu úng được cấp điện ngay 1-2 ngày sau sau bão. EVN đánh giá tiến độ khôi phục việc cấp điện như vừa qua là tương đối nhanh, mặc dù thiệt hại lớn khi có 14 sự cố lưới truyền tải 500kV, 40 sự cố lưới 220kV, 190 sự cố lưới 110kV, và hàng nghìn cột trung hạ áp bị gãy, nghiêng, đổ, ảnh hưởng...

a1.jpg
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch HĐTV EVN trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thường xuyên đi kiểm tra, động viên việc khôi phục lưới điện; trân trọng cảm ơn lực lượng quân đội, công an các địa phương hỗ trợ EVN rất nhiều trong quá trình khôi phục lưới điện. Theo lãnh đạo EVN, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương là 3 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Riêng tại Quảng Ninh, EVN huy động 2.500 cán bộ, công nhân tham gia khôi phục lưới điện; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cung cấp nhân lực gồm 3.100 ngày công, 9.000 suất ăn hỗ trợ cho các lực lượng khôi phục lưới điện. Đây là sự huy động tổng lực rất tốt.

Về bài học kinh nghiệm, Chủ tịch HĐTV EVN kiến nghị cần chuẩn bị kỹ "4 tại chỗ" vì đây là cơn bão quá mạnh, kéo dài, tất cả các phương án chuẩn bị ứng phó chưa đáp ứng được; cần xem xét thiết kế lại kết cấu công trình truyền tải điện trước cấp độ bão lớn như bão số 3. Kinh nghiệm của EVN huy động tổng lực từ Tổng công ty Điện lực miền Trung, TP Hà Nội, nhờ lực lượng của Bộ Quốc phòng hỗ trợ thì mới có thể nhanh chóng khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Bão số 3 là bão rất lớn, bão liên tục tăng cấp độ rất nhanh, kéo dài nhiều giờ trên đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lũ lớn, tác động 26 tỉnh, thành phố, ảnh hưởng phạm vi rộng, đối tượng nhiều; gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và vật chất với nhân dân và đất nước; việc khắc phục tốn kém, kéo dài nhiều năm.

Thủ tướng đánh giá chung, công tác dự báo, cảnh báo, thông tin - truyền thông, lãnh đạo, chỉ đạo, phòng chống, khắc phục hậu quả bão được làm tương đối tốt và hạn chế tối đa thiệt hại có thể, nhất là về người. Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, bên cạnh đó, có những việc chưa làm được do các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhưng nguyên nhân khách quan là chủ yếu.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quan trọng: Thứ nhất, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa; Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước; Thứ ba, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng chống, khắc phục hậu quả. Thứ tư, các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Thứ năm, coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ.

Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn; cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây trong thời kỳ chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.

Đan Thanh