Kinh tế

Mã số vùng trồng - “tấm vé thông hành” cho nông sản Việt

Nguyễn Việt 30/09/2024 00:30

Mã số vùng trồng đóng vai trò như “tấm vé thông hành” giúp nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 9 tháng năm 2024 xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, đây là con số cao kỷ lục. Riêng mặt hàng sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD.

mã số 2
Hiện nay, nhiều quốc gia yêu cầu trái cây tươi và một số nông sản khác từ Việt Nam phải có mã số vùng trồng để đủ điều kiện nhập khẩu.

Các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Con số sẽ còn tăng cao hơn, nếu ngành rau quả Việt Nam có được nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu đặt ra.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều thị trường đã mở cửa cho rau quả Việt trong năm nay. Hiện nay, nhiều quốc gia yêu cầu trái cây tươi và một số nông sản khác từ Việt Nam phải có mã số vùng trồng để đủ điều kiện nhập khẩu.

Mã số này giúp theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, vệ sinh an toàn thực phẩm, và truy xuất nguồn gốc. Nhiều nước nhập khẩu đã tăng cường giám sát mã vùng trồng và cơ sở đóng gói theo định kỳ hàng tuần.

Để bảo vệ và duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, ngoài việc cơ quan quản lý giám sát, các doanh nghiệp và nông dân cần coi mã số vùng trồng như tài sản quý giá và chủ động bảo vệ.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp vấn đề khó khăn chính là công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Ngoài việc xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói phải chịu sự giám sát định kỳ của các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu…

Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp quản lý, phòng chống sinh vật gây hại tại vùng trồng và biện pháp loại bỏ sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói chưa hiệu quả cũng đang là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được cấp mã vùng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết với đặc thù là sản phẩm rau, củ, quả thời gian canh tác và bảo quản không được dài nên việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng phục vụ cho xuất khẩu cần đảm bảo nhanh và linh hoạt.

“Khi thời gian kiểm định chất lượng quá dài thì rau quả dễ hỏng hoặc quá lứa không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Minh nói.

mã số 1
Sản phẩm có mã số vùng trồng.

Vẫn theo ông Nguyễn Văn Minh, để xây dựng mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.

“Để xuất khẩu được các sản phẩm rau, quả mỗi thành viên sẽ phải tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng theo yêu cầu của đối tác và sự hướng dẫn, chỉ đạo của Hợp tác xã đề ra. Không còn cảnh mạnh ai nấy làm và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng là điều không được phép”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi có 3 nông sản xuất khẩu là chuối, dưa hấu và ớt đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định yêu cầu trái cây tươi cùng một số nông sản khác của Việt Nam phải trồng, đóng gói ở những vùng trồng và cơ sở đóng gói đã cấp mã số thì mới đủ điều kiện nhập khẩu do nhiều quốc gia quy định.

Tuy nhiên, Quảng Ngãi lại đang gặp khó trong việc xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu.Hiện tại mới có 1 doanh nghiệp được cấp mã vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Còn với ớt và dưa hấu vẫn chưa được cấp.

Những năm qua, sản phẩm 2 loại cây này phần lớn xuất qua thị trường Trung Quốc nhưng giá cả rất bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Do đó, để đảm bảo tính ổn định lâu dài, việc liên kết sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng là vô cùng cấp thiết.

“Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay đối với vùng trồng xuất khẩu của tỉnh là diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết để hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu”, ông Nguyễn Thế Vĩnh chia sẻ.

Vẫn theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, tiêu chuẩn vùng trồng để cấp mã số xuất khẩu phải có diện tích tối thiểu 10ha, nếu các tỉnh khác mỗi hộ nông dân có thể sở hữu vài hecta đất canh tác, thì Quảng Ngãi mỗi hộ chỉ có vài sào.

“Do đó, để thiết lập một vùng trồng cần rất đông hộ nông dân đồng thuận tham gia và phải tuân thủ đúng cá quy định thì mới có thể phục vụ xuất khẩu”, ông Nguyễn Thế Vĩnh nhấn mạnh.

Nguyễn Việt