Bất cập Luật Ngân sách nhà nước 2015
Dù đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hiệu quả NSNN, tuy nhiên, hiện nay Luật Ngân sách nhà nước 2015 đã bộc lộ những vướng mắc khi thực hiện.
Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Là một trong các Luật được Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực Tài chính tới đây, ông đánh giá như nào về Luật Ngân sách nhà nước 2015?
Luật Ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017 trên cơ sở kế thừa có chọn lọc Luật Ngân sách 2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Từ khi được ban hành và đi vào thực tế, Luật đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả ngân sách Nhà nước; tăng tích lũy nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội.
Dù đã trở thành cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý ngân sách và các hoạt động khác có liên quan, tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển, hội nhập hiện nay, vì nhiều lý do, Luật này đã bộc lộ những mẫu thuẫn, vướng mắc khi thực hiện.
Cụ thể ở đây là những vấn đề gì, thưa ông?
Có thể kể đến quy định mức hỗ trợ cụ thể về số thu bổ sung có mục tiêu hỗ trợ khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Theo điểm c khoản 7 Điều 9 và điểm c khoản 3 Điều 40 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành (điểm c khoản 3 Điều 19 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP; điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư số 342/2016/TT-BTC), số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách;
Khả năng của ngân sách cấp trên và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương cấp dưới; để hỗ trợ ngân sách cấp dưới trong các trường hợp: hỗ trợ chi khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp dưới, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính của địa phương theo quy định nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo đó, khi có tình huống xảy ra, ngân sách cấp dưới gặp khó khăn, khó cân đối và sử dụng quỹ dự phòng, thì ngân sách cấp trên sẽ bố trí bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới. Tuy nhiên, luật lại không quy định cụ thể mức bổ sung là bao nhiêu, một phần hay toàn bộ số phải chi còn lại, trong khi đó tất cả các khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới đều quy định cụ thể mức hỗ trợ. Sự không thống nhất này gây khó khăn cho các chủ thể khi thi hành chính sách.
Hay như, quy định về tăng thu từ nguồn thu phát sinh từ dự án mới đi vào hoạt động. Về nguyên tắc quản lý Ngân sách Nhà nước, Ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi Quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và hỗ trợ các địa phương; ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao. Trong trường hợp có số tăng thu, ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, số tăng thu được xác định theo các quy định của Luật…
Với mục tiêu cân đối Ngân sách Nhà nước, lấy từ địa phương có nguồn thu lớn hỗ trợ địa phương không có nguồn thu nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội thì quy định trên là hoàn toàn phù hợp. Thế nhưng, quy định này lại mâu thuẫn với quy định về phân cấp ngân sách tại Điều 35, Điều 37 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Bởi, tất cả số tăng thu từ dự án mới đi vào hoạt động không phân biệt, đó là thu từ khoản thu nào thì phải nộp lại cho ngân sách cấp trên, trong khi Điều 35 (nguồn thu của Ngân sách Trung ương), Điều 37 (nguồn thu của ngân sách địa phương), Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định rất rõ khoản thu nào là nộp về ngân sách và cấp nào được hưởng.
Trước các vấn đề đã nêu, để giải quyết bất cập, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước 2015 tới, cần rà soát và xác định rõ mức hỗ trợ cụ thể trong quy định về số thu bổ sung có mục tiêu hỗ trợ khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; quy định rõ số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; khả năng ngân sách cấp trên và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương cấp dưới, để hỗ trợ ngân sách cấp dưới khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Chỉ khi có quy định chính xác, cụ thể, mới tránh được tình trạng xin - cho, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước cấp trên…
Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định về tăng thu từ nguồn thu phát sinh từ dự án mới đi vào hoạt động. Trong đó, có thể cân nhắc sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng quy định riêng, độc lập về nội dung này; bổ sung thêm quy định loại trừ các nguồn thu phát sinh từ dự án mới đi vào hoạt động khỏi quy định về nguồn thu ngân sách trung ương, nguồn thu ngân sách địa phương, qua đó tạo sự thống nhất giữa các quy định liên quan.
Trân trọng cảm ơn ông!