Kinh tế địa phương

Đô thị hóa Bắc Ninh - Nơi đất lành tụ hội

Kim Dung - Vũ Phường 02/10/2024 8:29

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang mở ra những “vùng đất vàng” cho các nhà đầu tư lĩnh vực bất động sản.

Trong đó, Bắc Ninh đang nổi lên là điểm sáng với nhiều tiềm năng, cơ hội bứt phá.

Ảnh 2 (Tiếng Việt)
UBND thành phố Bắc Ninh phối hợp với Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc tổ chức khởi công công trình hồ điều hoà giai đoạn 1 thuộc dự án khu đô thị mới Phúc Ninh, TP Bắc Ninh (ngày 07/8/2024)

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, theo các chuyên gia, tỉnh Bắc Ninh “còn nhiều việc phải làm”, trong đó có hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh về phát triển đô thị.

Bốn đô thị bứt phá mạnh mẽ

Quy hoạch đô thị Bắc Ninh định hướng, toàn tỉnh sẽ có 12 đô thị gồm: 01 đô thị loại I (đô thị Bắc Ninh), 01 đô thị loại II (đô thị Từ Sơn), 04 đô thị loại III (đô thị Yên Phong, đô thị Quế Võ, đô thị Tiên Du và đô thị Thuận Thành), 06 đô thị loại V (đô thị Gia Bình, đô thị Thứa, đô thị Nhân Thắng, đô thị Cao Đức, đô thị Trung Kênh và đô thị Lâm Thao).

Ảnh 1 (tiếng Việt)
Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ là lợi thế để Bắc Ninh thực hiện đô thị hóa

Trong số đó, Bắc Ninh đặc biệt quan tâm tới 4 đô thị dự kiến trở thành đô thị loại III trước năm 2030 gồm: Yên Phong, Thuận Thành, Tiên Du và Quế Võ. Huyện Yên Phong và Tiên Du đang phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh trong tương lai gần. Hai thành phố mới này sẽ đóng vai trò tâm điểm trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh. Nơi đây sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh nhận định, nếu nhìn một cách tổng thể, dễ dàng nhận thấy rằng mục tiêu của 2 huyện này là hoàn toàn khả quan. Đối với Tiên Du, huyện đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ với nhiều bước phát triển quan trọng. Đặc biệt, khu vực thị trấn Lim đang được nâng cấp để mở rộng thành đô thị loại IV và trước năm 2030, huyện sẽ phát triển thành thành phố trong hệ thống các đô thị lõi của Bắc Ninh. Tiên Du hiện có một số khu công nghiệp lớn như Tiên Sơn, Đại Đồng - Hoàn Sơn và VSIP, thu hút nhiều nhà đầu tư công nghiệp, góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hóa và kinh tế địa phương. Huyện cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và tạo ra một diện mạo đô thị hiện đại.

Tương tự, huyện Yên Phong cũng đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, gắn liền với sự phát triển công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ đô thị hóa của Yên Phong đang tăng lên nhờ các dự án lớn như Khu đô thị Kim Đô Policity, khu đô thị mở rộng thị trấn Chờ và nhiều khu đô thị, khu công nghiệp gắn với đô thị khác. Đến năm 2025, mục tiêu của huyện là tăng tỷ lệ dân số đô thị, tiếp tục phát triển hạ tầng đô thị gắn với các khu công nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân và các doanh nghiệp. Yên Phong cũng đang nỗ lực xây dựng một đô thị hiện đại, văn minh thông qua việc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, cải thiện hệ thống chiếu sáng, đường sá và không gian công cộng.

Trong khi đó, thị xã Thuận Thành và thị xã Quế Võ đang được kỳ vọng sẽ trở thành những đô thị hiện đại và năng động. Thuận Thành được xem là đô thị hạt nhân ở phía Nam sông Đuống, đang có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn khu vực. Đối với Quế Võ, quá trình đô thị hóa đã đạt tỷ lệ 60,3%, cho thấy sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng kinh tế đô thị đáng kể.

“Cả hai địa phương đều chú trọng vào quy hoạch bền vững, phù hợp với định hướng phát triển tổng thể của tỉnh, hứa hẹn cải thiện bộ mặt đô thị và đời sống dân cư trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Hoàn cho hay.

Cơ hội lớn cho nhà đầu tư

Bắc Ninh đã và đang trở thành trung tâm công nghiệp quan trọng của miền Bắc, với sự hiện diện của các khu công nghiệp lớn như VSIP, Yên Phong (I, II, IIc) và Quế Võ (I, II, III). Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, việc Quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng hiện đại, cải thiện giao thông và dịch vụ logistics, giúp tăng cường kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm như Hà Nội và Hải Phòng.

Theo đó, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và việc phát triển thành phố loại I sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, khu đô thị mới và các khu thương mại. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt trong việc phát triển các khu dân cư cao cấp và cơ sở hạ tầng xã hội đi kèm như trường học, bệnh viện và trung tâm thương mại.
Với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ này, dân số Bắc Ninh sẽ ngày càng tăng, đặc biệt là từ dòng lao động nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp lớn. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, căn hộ chung cư và các dịch vụ thương mại, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản trong việc phát triển các dự án nhà ở, trung tâm thương mại và khu dân cư.

Việc Bắc Ninh được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng sẽ làm tăng giá trị đất đai, đặc biệt tại các khu vực đang phát triển như Từ Sơn, Yên Phong và Quế Võ. Các tuyến đường mới và cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ khiến giá đất tại đây tăng lên, mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư bất động sản.

Thêm vào đó, Bắc Ninh đang đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông, bao gồm các tuyến đường kết nối với Hà Nội và các tỉnh lân cận. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống cho cư dân mà còn thu hút thêm đầu tư từ các lĩnh vực khác, làm tăng giá trị các dự án bất động sản tại Bắc Ninh.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại I, theo Sở Xây dựng, Bắc Ninh vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị. Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp đã kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, gây áp lực lên hạ tầng đô thị và môi trường.

Để giải quyết những thách thức này, nhiều chuyên gia đã chia sẻ, Bắc Ninh cần tập trung vào việc hoàn thiện quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng môi trường sống và tăng cường quản lý đô thị thông minh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch để tạo động lực tăng trưởng mới, giảm sự phụ thuộc vào công nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Kim Dung - Vũ Phường