Kinh tế địa phương

Quảng Ninh: Tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Trung Thành - Minh Huệ 01/10/2024 3:41

Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động.

Đẩy nhanh tiến độ

Cơn bão YAGI đi qua đã để lại thiệt hại vô cùng lớn cho tỉnh Quảng Ninh. Ước thiệt hại là trên 24.200 tỷ đồng. Sau bão, các doanh nghiệp trên địa bàn đang tích cực khắc phục hậu quả của bão, ổn định đời sống, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Và điều mà doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão cần lúc này là nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất.

1(2).jpg
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp tại cuộc họp với Chủ tịch UBND tỉnh về việc "Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão"

Để hỗ trợ trong lúc doanh nghiệp gặp khó, mới đây Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão; đề xuất danh mục công trình, dự án trọng điểm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030…

Theo kết quả tổng hợp của Sở Tài chính, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các biện pháp, chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3 là trên 3.300 tỷ đồng. Trong đó bao gồm kinh phí thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh mới ban hành ngày 23/9, hỗ trợ với các lĩnh vực nông nghiệp, bảo trợ xã hội, hỗ trợ học phí, hỗ trợ sửa chữa nhà ở… Cùng với đó là nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách đã báo cáo Chính phủ (tăng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng....) nếu được Chính phủ đồng ý.

Đến nay, đã có 2/11 địa phương thực hiện giải ngân một phần kinh phí được tỉnh hỗ trợ gồm TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Các sở, ngành cũng đang tập trung hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện các trình tự thủ tục theo quy định để giải ngân.

Thực hiện thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, các ngân hàng cũng đã rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng thiệt hại của bão, mưa lũ có nhu cầu vay vốn, tập trung nguồn vốn để sẵn sàng thực hiện giải ngân cho 2.637 lượt khách hàng vay với số tiền 187 tỷ đồng; triển khai tạm giãn, hoãn, giảm lãi, đối với hơn 2.300 khách hàng, tổng dư nợ được giảm lãi suất dự kiến gần 10.000 tỷ đồng.

Cục Thuế đã đăng tải 3 tin, bài về chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do ảnh hưởng của thiên tai; đăng tải hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 và mưa lũ sau bão trên Trang thông tin điện tử Cục Thuế...

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão trên tinh thần bám sát các quy định. Cần đề nghị, thống nhất với Ban Vận động cứu trợ Ủy ban MTTQ tỉnh sử dụng một phần kinh phí từ nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ các trường hợp khó khăn không thuộc diện được hỗ trợ trong các quy định hiện hành như: thiên tai, dịch bệnh, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo...

Cùng với đó, xem xét, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai hỗ trợ cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân sản xuất lâm nghiệp thực hiện công tác dọn thực bì trên diện tích rừng bị thiệt hại; hỗ trợ an sinh cho các tổ chức, cá nhân có phương tiện sản xuất là tàu cá và phương tiện khác bị chìm để phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội...

Tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục đề nghị Chính phủ nhanh chóng sửa đổi một số quy định liên quan đến hỗ trợ bởi thiên tai và hỗ trợ vay vốn, theo hướng tăng mức và bổ sung thêm đối tượng. Ông Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, nhân dân, doanh nghiệp thể hiện sự đồng lòng, không ngừng nỗ lực, quyết tâm sớm nhất ổn định đời sống, tái khởi động sản xuất.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo. Trong đó, các dự án đề xuất bám sát theo Quy hoạch tỉnh là những công trình, dự án có tính biểu tượng, liên kết vùng, quốc tế, tạo sức lan tỏa, tác động đến phát triển KT-XH của tỉnh.

Ngân hàng đồng hành

Theo số liệu thống kê toàn bộ cơ sở vật chất như: Nhà kính, ao nuôi, cột điện, văn phòng, máy móc… của Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên) hư hỏng. Do sự cố mất điện dài ngày trên diện rộng, toàn bộ tôm tại các ao nuôi bị ngạt, chết, thiệt hại 18 tỷ đồng; ước thiệt hại về vật nuôi, cơ sở vật chất... của Công ty trên 70 tỷ đồng.

Trong lúc khó khăn chồng chất, Công ty được Agribank chi nhánh TX Quảng Yên điều chỉnh giảm 1%/năm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu cho Công ty tại ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, có thêm nguồn vốn, phục hồi sản xuất. Hiện, Công ty đang khôi phục lưới điện, dọn dẹp nhà xưởng, làm lại các ao nuôi...

Ông Ngô Hùng Dũng - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An, cho biết: Trang trại nuôi tôm công nghiệp có doanh thu mỗi năm trên 40 tỷ đồng. Cơn bão số 3 kinh hoàng đã cướp đi toàn bộ tài sản của tôi. Ngay khi bão số 3 đi qua, Agribank chi nhánh TX Quảng Yên đã cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời thống kê thiệt hại và ngân hàng đã giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp tại ngân hàng. Điều này thể hiện sự chung tay của ngân hàng vượt qua khó khăn; động viên, khích lệ, thúc đẩy doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất.

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Ninh, cho biết cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đánh giá cao những động thái quyết liệt của tỉnh khi đã tích cực vào cuộc tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó. Chúng tôi cũng rất mong muốn khi chính sách của Quảng Ninh tiếp tục có những giải pháp để chính sách hỗ trợ được triển khai nhanh, khả thi, kịp thời. Bởi lẽ khi doanh nghiệp dừng sản xuất sẽ kéo theo hàng nghìn người lao động của thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp.

2(1).jpg
Nhiều doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đang rất cần nguồn vốn để khôi phục lại sản xuất sau khi bão số 3 tàn phá gần như hoàn toàn các ô lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản. Ảnh: Mạnh Trường

Được biết, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động thống kê, rà soát, nắm bắt thiệt hại; thực hiện giảm từ 0,5-2%/năm lãi suất cho vay; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; cơ cấu lại thời gian trả nợ; đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế; xây dựng các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp.

Hiện, toàn tỉnh Quảng Ninh có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới, như: BIDV ban hành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% cho cả khoản vay hiện hữu và vay mới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3; Vietinbank triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường…

Các ngân hàng cũng chủ động báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh nợ.

Hiện nay các ngân hàng cũng tạo điều kiện tối đa giải ngân cho vay kịp thời các khoản vay mới đối với người dân và doanh nghiệp có nhu cầu để phục hồi sản xuất. Đối với các trường hợp không có tài sản thế chấp, các ngân hàng đánh giá, xem xét tính khả thi, khả năng quản lý, khả năng sinh lời của phương án sản xuất, để trao đổi, thống nhất trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc đối với an toàn, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Trung Thành - Minh Huệ