Kinh tế

Giải pháp nào để nâng tầm thương hiệu Việt?

Yến Nhung 01/10/2024 04:30

Để cạnh tranh hiệu quả, doanh nghiệp Việt cần đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng thương hiệu, nâng tầm thương hiệu ở trong nước và cả nước ngoài.

Thực tế cho thấy, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam ngày càng cao trong quá trình hội nhập. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới (Brand Finance), thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 của Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong tốp 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.

gao-st25-718 (1)
Thực tế cho thấy, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế - Ảnh minh họa: ITN

Uy tín của nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc gia Việt Nam gần đây đã gia tăng đáng kể như gạo, cà phê, sầu riêng… nhất là khi sản phẩm gạo ST25 hai lần liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon thế giới. Hay như Tập đoàn Viettel đứng thứ 2 thế giới về sức mạnh thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông; ô tô điện Vinfast xuất hiện tại thị trường Mỹ; sữa Vinamilk là những điển hình thành công xây dựng thương hiệu tại thị trường quốc tế...

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp Việt cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu quốc tế lớn về cả chất lượng, giá cả và hình ảnh thương hiệu. Nhiều thương hiệu Việt chưa được người tiêu dùng quốc tế biết đến rộng rãi, gây khó khăn trong việc tiếp cận thị trường mới.

Ngoài ra, so với các đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam thường có nguồn vốn hạn chế để đầu tư vào hoạt động xây dựng thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý thương hiệu trên thị trường quốc tế…

2A (1)
Để cạnh tranh hiệu quả, doanh nghiệp Việt cần đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng thương hiệu, nâng tầm thương hiệu ở trong nước và cả nước ngoài - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực trạng đó, để nâng tầm thương hiệu Việt trong bối cảnh quốc tế mới, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, giải pháp đầu tiên là cần nâng cao nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và toàn thể người dân về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Khi hình thành thương hiệu mạnh, đồng nghĩa với việc gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tiếp đó là có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có năng lực xây dựng và quản trị, phát triển thương hiệu sản phẩm; cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chí.

Đối với doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, doanh nghiệp cần tổng hòa 3 giá trị cốt lõi để mang lại thương hiệu mạnh. Đầu tiên là chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố quyết định giá trị thương hiệu. Cùng với đó là đổi mới sáng tạo, phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng, đồng đều, ổn định, mang tính bền vững...

“Đặc biệt, giá trị thương hiệu mạnh phải mang tính tiên phong. Trong cùng lĩnh vực ngành hàng, thương hiệu này mạnh hơn các thương hiệu khác, đó chính là yếu tố tiên phong. Yếu tố tiên phong thể hiện thông qua uy tín của người đứng đầu thương hiệu, sở hữu thương hiệu, sản phẩm; tiềm lực về tài chính, đầu tư và vai trò dẫn dắt...”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, không ít chuyên gia cho rằng, giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam nói riêng, thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung có được được nâng lên hay không, phụ thuộc rất lớn vào quá trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Muốn có được thương hiệu từ quy mô quốc gia, ngành hàng, các doanh nghiệp, ngành hàng cần phải làm thường xuyên, chuyên nghiệp và bài bản. Trong đó, các bộ, ngành chức năng nên có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về quảng bá, định hướng tiêu dùng; xúc tiến, phát triển thương hiệu quốc gia.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên Đại học Thương Mại, định vị thương hiệu là một vấn đề khó, song nỗ lực để thực hiện thành công định vị đó lại càng khó và cần cả một chặng đường dài phải đi. Vấn đề xây dựng thương hiệu có nhiều cấp độ như cấp độ doanh nghiệp (thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp); cấp độ nhóm doanh nghiệp (thương hiệu làng nghề, thương hiệu chứng nhận, thương hiệu mang chỉ dẫn địa lý); cấp độ địa phương, quốc gia (thương hiệu địa phương, thương hiệu quốc gia).

“Mỗi doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng hãy chọn ra giá trị nào mình thấy là cốt lõi, có sự khác biệt, có khả năng khai thác và có thể theo đuổi được, tránh tình trạng đặt mục tiêu quá cao rồi sau đó lại bỏ dở giữa chừng”, ông Thịnh khuyến nghị.

Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng, một thương hiệu Việt phải là thương hiệu có xuất xứ quốc gia của Việt Nam, thương hiệu đấy vẫn đang hiện diện ở Việt Nam và do một phần lớn người Việt tham gia. Vì vậy, Việt Nam cần khai thác thế mạnh sản phẩm gắn với cộng đồng, gắn với triệu người nông dân để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn, thay vì chỉ duy nhất đầu tư cho doanh nghiệp tiến ra nước ngoài.

Yến Nhung