Bùng nổ xu hướng đầu tư vào startup công nghệ khí hậu Việt Nam
Từ năm 2015 đến năm 2023, có 121 thỏa thuận đầu tư vào startup công nghệ khí hậu Việt Nam với số tiền tài trợ là 92,6 triệu USD.
Giai đoạn này cũng chứng kiến sự tăng tốc đáng kể về đầu tư, với nguồn tài trợ cho các startup công nghệ khí hậu của Việt Nam tăng 365%/năm.
Theo Dữ liệu từ "Báo cáo hệ sinh thái tài trợ công nghệ khí hậu tại Việt Nam 2024" do New Energy Nexus Việt Nam kết hợp Clickable Impact Consulting Group công bố, Việt Nam đang ở thời điểm then chốt trong hành trình công nghệ khí hậuvà được hỗ trợ bởi các cam kết mạnh mẽ của chính phủ nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Những năm gần đây tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột phá trong lĩnh vực công nghệ khí hậu, do nhận được nguồn đầu tư và sự quan tâm. Từ năm 2015 đến năm 2023, có 49 startup công nghệ khí hậu tại Việt Nam đã nhận được đầu tư với tổng giá trị 92,6 triệu USD. Đầu tư trong lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ trung bình 365% hàng năm (từ năm 2020 đến năm 2023).
Tuy nhiên, startup trong lĩnh vực công nghệ khí hậu đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Năm 2023 lĩnh vực này chỉ chiếm 4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam (mức trung bình trên toàn thế giới là 10%).
Theo bà Thảo Trần, Giám đốc Quốc gia New Energy Nexus tại Việt Nam chia sẻ: “Đây là báo cáo nghiên cứu đầu tiên đánh giá khả năng tiếp cận tài chính dành cho các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu tại Việt Nam và cũng chỉ ra các nguồn tài trợ sẵn có dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Bà Thảo Trần nhận định, các startup về nông nghiệp và sản xuất thực phẩm đã huy động được 48,4% tổng số vốn, đạt 44,7 triệu USD. Startup thuộc nhóm phương tiện giao thông như Datbike, với mục tiêu trở thành "Honda của xe máy điện" và Selex Motors, tập trung vào phân khúc giao hàng chặng cuối do xe máy thống trị trong ngành hậu cần của Việt Nam hút được 37,1 triệu USD, tương đương 40,1% vốn.
Tiếp theo là nhóm kinh tế tuần hoàn, chiếm 6%, nhóm chuyển đổi năng lượng chiếm 3,6% và nhóm hạ tầng xây dựng chiếm 1,8%.
Tuy nhiên, New Energy Nexus vẫn cam kết thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ khí hậu tại Việt Nam. Bà Thảo cho biết thêm, các startup trong lĩnh vực này không chỉ có khả năng giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
Nhiều ý kiến chỉ ra, để thúc đẩy tinh thần kinh doanh chất lượng và các luồng tài trợ mới vào hệ sinh thái tại Việt Nam cần chú ý hai yếu tố, bao gồm phát triển tài năng và đẩy nhanh sự hợp tác giữa những người sáng lập, nhà đầu tư, đối tác phát triển, cơ quan chính phủ và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đang nuôi dưỡng sự phát triển và phát triển của công nghệ khí hậu tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam có một hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các giải pháp công nghệ khí hậu. Tuy nhiên, các startup Việt Nam lại chưa biết tận dụng hết cơ hội trong khi các doanh nhân công nghệ khí hậu lại gặp phải một số rào cản không cần thiết.
Theo các chuyên gia, nguồn vốn đầu tư hạn chế vẫn là một nút thắt cổ chai, trầm trọng hơn do bối cảnh pháp lý không ổn định, tín hiệu cầu không đủ và tình trạng thiếu các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm có thể tạo thêm giá trị cho các công ty trong danh mục đầu tư của họ ngoài tiền mặt.
Mặt khác các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đánh giá cao một số thỏa thuận công nghệ khí hậu tại Việt Nam. Nhu cầu của các nhà đầu tư là tập trung vào các startup công nghệ khí hậu với mong muốn có sự tăng trưởng bền vững trong những năm tới tại Việt Nam.
Đồng thời, mục tiêu của các nhà đầu tư là giảm lượng khí thải CO2, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giải quyết những thách thức trong ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp.