Vì sao các doanh nghiệp phản ứng với trạm BOT Phú Hữu?
Hàng loạt các trạm thu phí hiện hữu đã “bủa vây” các lối ra vào cảng và giờ lại tiếp tục xuất hiện trạm BOT Phú Hữu khiến các doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Vương - Giám đốc điều hành Cảng SP- ITC - đại diện chủ đầu tư Cảng biển SP – ITC với PV Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan tới trạm thu phí BOT Phú Hữu - TP Thủ Đức, TPHCM.
Thưa ông, đâu là lý do khiến các doanh nghiệp đồng loạt gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng TPHCM liên quan tới trạm thu phí BOT Phú Hữu?
Có lẽ lãnh đạo các cơ quan chức năng tại TPHCM sẽ là người hiểu rõ nhất về tình trạng sức khoẻ của các doanh nghiệp hiện nay ra sao, hoạt động như thế nào? Trong đó, phải kể đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch cảng biển và xuất nhập khẩu hàng hoá. Và chắc chắn sẽ không có gì phải bàn nếu không có quá nhiều các trạm thu phí đường bộ đang “bủa vây” các cung đường vào cảng như hiện nay.
Với tình hình được đánh giá không khả quan của kinh tế thế giới năm 2023 vừa qua đã nói lên tất cả. Bên cạnh đó, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 từ Việt Nam đi các nước giảm sút rất nghiêm trọng ở tất cả các ngành hàng, đặc biệt là các ngành hàng trọng yếu, như: dệt may, da giày, gỗ…
Mặc dù, những chỉ số dự báo được cho là lạc quan nhất về tình hình kinh tế chung cho năm 2024, song, trên thực tế thì dự báo này vẫn chưa có đáp án và đang còn bỏ ngỏ. Rõ ràng điều này chưa thể khẳng định ngành xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ khởi sắc trong thời gian ngắn sắp tới.
Do đó, sự xuất hiện của trạm thu phí BOT Phú Hữu trên đường Nguyễn Thị Tư dẫn vào cảng và Khu Công nghiệp Phú Hữu, thành phố Thủ Đức, trong lúc này là chưa hợp lý. Bởi, sự xuất hiện trạm thu phí BOT Phú Hữu đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của cảng biển SP – ITC, Cảng Tân Cảng - Cát Lái, Khu Công nghiệp Phú Hữu nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
Vì vậy, đây chính là lý do khiến hàng loạt các doanh nghiệp làm đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng với mong muốn được chia sẻ khó khăn trong lúc này.
Ông có thể nêu những dẫn chứng cụ thể đang làm ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp bởi trạm thu phí BOT Phú Hữu?
Sẽ không quá khó để lấy số liệu từ các doanh nghiệp đang hoạt động tại Cảng Tân Cảng - Cát Lái và Cảng Container Quốc tế SP-ITC đang bị ảnh hưởng bởi trạm thu phí BOT Phú Hữu.
Đơn cử, Công ty QTL Logistics là doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ vận tải và xuất khẩu hang hoá đi thị trường Châu Á.
Với sản lượng hàng năm đạt 100 container (20 feed) và 500-600 container (40 feed). Hầu hết, hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp này đều thông qua Cảng Tân Cảng - Cát Lái và Cảng Container Quốc tế SP-ITC và đều phải đi qua trạm thu phí BOT Phú Hữu, sẽ cho ra con số không nhỏ.
Nếu căn cứ theo Công văn số 705/QĐ-UBND ngày 08/03/2024 UBND TPHCM đã ban hành về việc “Ban hành mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án BOT xây dựng đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu Công nghiệp Phú Hữu, thành phố Thủ Đức” nhằm thu hồi vốn đầu tư cho Nhà đầu tư (Công ty Xi măng Hà Tiên - Vicem) đường Nguyễn Thị Tư này với mức thu cụ thể là 66.000 VNĐ/lượt/cont 20 feed và 133.000 VNĐ/lượt/cont feed thì doanh nghiệp đã mất cả hàng trăm triệu đồng cho trạm BOT Phú Hữu.
Chưa kể, chi phí cho một container hàng hóa từ TPHCM xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và ngược lại đang phát sinh rất nhiều chi phí liên quan, bao gồm các chi phí cơ bản, như: Chi phí XNK mỗi container hàng hóa thông qua các Cảng, Hãng tàu, phụ phí XNK, thuế XNK; Lệ phí cầu đường tại các trạm BOT hiện hữu.
Trong đó, hàng từ các Tỉnh phía Đông Tây khi vận chuyển hàng hóa vào khu vực TPHCM cũng đang phải chịu thêm phí cầu đường tại trạm BOT Xa Lộ Hà Nội (cụ thể là 160.000 VNĐ/lượt xe, không phân loại container), trạm thu phí Long Phước trên cao tốc HCM – Long Thành – Dầu Giây (chi phí cụ thể là: 163.000 VNĐ/lượt/cont rỗng, 342.000VNĐ/lượt/cont hàng).
Và hàng từ các tỉnh phía Nam TPHCM bắt buộc phải chịu trả phí BOT Cầu Phú Mỹ (cụ thể là 80.000 VNĐ/lượt xe) và BOT đường Nguyễn Văn Linh (với cụ thể là 35.000VNĐ/lượt xe); Đóng phí Cơ sở hạ tầng Cảng biển cho TPHCM (cụ thể là 250.000VNĐ/cont 20 feed, 500.000 VNĐ/cont 40 feed) kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2022 đến nay.
Riêng với trạm thu phí BOT Phú Hữu, để giữ chân khách hàng, Cảng Container Quốc tế SP-ITC đang phải hỗ trợ 150% phí BOT cho các phương tiện đi ra vào cảng.
Ông có thể nói rõ hơn việc hỗ trợ 150% phí cho các phương tiện khi qua trạm BOT Phú Hữu để ra vào cảng SP-ITC?
Nhằm giữ chân khách hàng, cảng quốc tế SP-ITC đã phải lên phương án và thông báo đến các đối tác nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp khi qua trạm BOT Phú Hữu.
Cụ thể, đối với hàng container xuất nhập khẩu và container hàng nội địa, cảng SP-ITC sẽ hỗ trợ 100% phí chiều vào và 50% phí chiều ra tại trạm BOT Phú Hữu trên đường Nguyễn Thị Tư.
Riêng hàng đóng rút tại bãi cảng bằng đường bộ, mức hỗ trợ áp dụng chung cho hai chiều là: 75.000 đồng/container 20 feet và 152.000 đồng/container loại 40 feet.
Các khoản hỗ trợ này được khấu trừ trực tiếp vào hóa đơn sử dụng dịch vụ tại cảng. Thời gian hỗ trợ từ 17/9/2024 (tức ngày thu phí đầu tiên).
Như vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.500 xe container ra vào cảng, tương đương mức hỗ trợ phí BOT khoảng 170 triệu đồng/ngày. Đây là một con số không hề nhỏ đang làm ảnh hưởng rất lớn cho cảng quốc tế SP-ITC nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Trân trọng cảm ơn ông!