Nghiên cứu - Trao đổi

Đồng bộ chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Yến Nhung 02/10/2024 11:00

Để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần có sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học...

Theo đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu tất yếu của Việt Nam mà còn là một nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu của hội nhập sâu rộng.

doi-moi-sang-tao (1)
Việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu tất yếu của Việt Nam mà còn là một nhiệm vụ chiến lược - Ảnh minh họa: ITN

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội. Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, xây dựng, y tế, giáo dục và công nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế.

Với mong muốn thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học trên cả nước để tăng cường sự phối hợp nhằm nâng cao sự liên kết và thống nhất trong tầm nhìn chiến lược về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm; viện nghiên cứu trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp và dành nguồn lực thích hợp để tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động.

“Triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả và hội nhập; mở rộng hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

khoahoccongnghe (1)
Để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần có sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học - Ảnh minh họa: ITN

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, để hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thời gian qua đã có nhiều cơ chế chính sách lớn về chuyển giao công nghệ giúp tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

“Tuy nhiên, để chính sách quản lý nhà nước về công nghệ được hoàn thiện hơn, cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến công nghệ như sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; hoàn thiện quy định ưu đãi đối với hoạt động chuyển giao công nghệ trong pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai... Đặc biệt là Luật Chuyển giao công nghệ”, ông Nguyễn Hoàng Linh kiến nghị.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng kiến nghị, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư để khắc phục tình trạng còn có nhiều cách hiểu khác nhau hiện nay, dẫn đến vướng mắc trong việc xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên...

Yến Nhung