Kinh tế thế giới

Chứng khoán Trung Quốc có tiếp đà tăng giữa nhiều âu lo?

Nam Trần 02/10/2024 03:00

Đợt tăng tốt nhất kể từ năm 2015 của thị trường chứng khoán Trung Quốc không che mờ được nỗi lo lớn của ngành bất động sản.

china-stock-market.png
Thị trường chứng khoán Trung Quốc bật tăng mạnh sau nhiều năm (Ảnh: Trading Economics)

Tích cực nhờ gói hỗ trợ chính sách

Tác động tâm lý của đợt kích thích kinh tế lớn ở Trung Quốc đã giúp thúc đẩy đà tăng đột biến của cổ phiếu nhiều công ty Trung Quốc từ Bắc Kinh đến New York vào ngày 30/9.

Chỉ số Shanghai Composite đã tăng tới 8% trong ngày giao dịch cuối cùng của quý 3, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2008. Tổng cộng, mức tăng 17% trong tháng cuối cùng của quý 3 cũng là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ bong bóng thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015.

Đà tăng của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tháng 9 đã xóa đi các khoản lỗ của nhiều tháng trước đó đối với chỉ số này. Nền kinh tế Trung Quốc suy giảm đã gây áp lực lên cổ phiếu trong những năm gần đây, khiến dòng vốn chảy ra và đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ hướng tới các tài sản an toàn hơn.

Các công cụ hỗ trợ chính sách của chính phủ Trung Quốc được các nhà đầu tư hoan nghênh. Solita Marcelli, Giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management, cho rằng sự thay đổi chính sách này có thể là một “bước ngoặt cho các tài sản rủi ro của Trung Quốc”.

Tại Mỹ, cổ phiếu của các công ty thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba, PDD’s Pinduoduo và JD.com đều tăng trong những ngày gần đây. Quỹ ETF Invesco Golden Dragon China, bao gồm hàng chục công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ, đã tăng 23% và ghi nhận mức tăng hàng tuần tốt nhất kể từ tháng 3/2022.

Các công ty thương mại điện tử Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước này, đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh khốc liệt trong nước và sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng.

Mức tăng lan rộng ra ngoài Trung Quốc đại lục. Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 13% và ghi nhận tuần tốt nhất kể từ năm 1998. Tại châu Âu, các công ty có hiện diện lớn ở Trung Quốc cũng phục hồi, gồm các công ty bán hàng xa xỉ phẩm như LVMH, Kering và Christian Dior, hay những công ty ô tô của Đức như Mercedes-Benz và BMW.

Khó che mờ được nỗi lo bất động sản

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng đợt phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ không đủ để giảm bớt căng thẳng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung tâm của vấn đề nằm ở quy mô của ngành bất động sản đang khủng hoảng ở Trung Quốc. Và thách thức đó đang ngày càng dâng cao giữa dân số tỷ dân đang có dấu hiệu suy giảm.

China real estate MarketWatch
Khủng hoảng dư thừa bất động sản của Trung Quốc càng thêm thách thức giữa dân số suy giảm (Ảnh: MarketWatch)

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa tình trạng dư thừa bất động sản và dân số giảm đang tạo ra một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa nền kinh tế trong dài hạn. Theo ước tính, Trung Quốc có thể có tới 90 triệu căn hộ chưa bán được. Chính phủ Trung Quốc đã làm nhiều cách để giải phóng lượng hàng tồn kho này, nhưng với tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm lại, triển vọng này trở nên ngày càng khó khăn.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa nhà đất là chính sách một con mà Trung Quốc đã áp dụng trong nhiều thập kỷ. Dân số của quốc gia này dự kiến sẽ giảm 204 triệu người trong vòng 30 năm tới, làm trầm trọng thêm vấn đề tồn kho nhà ở. Tianlei Huang, nghiên cứu viên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định: “Về cơ bản, không có đủ người để mua số nhà đang tồn đọng."

Một số bất động sản chưa sử dụng vẫn có khả năng được mua và sử dụng, đặc biệt nếu chính phủ Trung Quốc can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Thế nhưng, không phải nơi nào biện pháp này cũng phát huy hiệu quả. Trong khi nguồn cung dư thừa dễ dàng được hấp thụ tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến – nơi có nền kinh tế năng động và dòng người nhập cư ổn định- thì tình hình phức tạp hơn nhiều ở những nơi khác.

Theo giáo sư kinh tế Harvard Kenneth Rogoff, các thành phố nhỏ ở Trung Quốc sở hữu hơn 60% lượng tồn kho nhà ở của Trung Quốc. Đây là hậu quả của nhiều năm khuyến khích phát triển bất động sản nhằm thu được lợi nhuận từ doanh thu bán đất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bất chấp dân số đang giảm. Theo thống kê của Wall Street Journal, từ năm 2020 đến 2023, có ít nhất 60% các thành phố cấp ba, bốn và năm ở Trung Quốc đã chứng kiến dân số của họ suy giảm.

Vào tháng 5, Bắc Kinh công bố gói cứu trợ với khoản vay lãi suất thấp lên tới 42 tỷ USD, nhằm giúp các công ty nhà nước mua lại những bất động sản tồn kho và biến chúng thành nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, mới giải ngân được 4% giá trị gói cứu trợ này, điều này cho thấy hiệu quả của gói cứu trợ còn hạn chế.

Các nhà kinh tế cho rằng việc chuyển đổi các bất động sản tồn kho thành nhà ở giá rẻ là không khả thi vì giá thuê sẽ quá thấp để các công ty có thể kiếm lợi nhuận. Dù Bắc Kinh đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ khác như cắt giảm lãi suất, giảm tiền đặt cọc cho ngôi nhà thứ hai và cho phép người mua nhà tái cấp vốn, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đủ để kéo nền kinh tế ra khỏi khó khăn.

Robin Xing, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, đề xuất rằng chính phủ nên triển khai một gói cứu trợ toàn diện hơn, tập trung vào việc mua lại lượng hàng tồn kho ở 30 đến 50 thành phố lớn nhất và chuyển đổi thành nhà ở công cộng. Tuy nhiên, với ước tính chi phí lên tới 420 tỷ USD, gói cứu trợ này sẽ không bao gồm các thành phố cấp ba, bốn và năm, nơi có lượng nhà tồn kho lớn nhất.

Giá nhà mới và nhà cũ ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm lần lượt 5,7% và 8,6% trong tháng 8/2024 so với cùng kỳ năm trước, khiến cho nhiều người mua bất động sản sớm có nguy cơ mất giá trị tài sản của họ. Theo Yi Wang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản Trung Quốc tại Goldman Sachs, nếu giá giảm xuống mức thấp của năm 2015, nhiều chủ sở hữu có thể chọn bán các bất động sản không có người ở.

Nam Trần