Kinh tế địa phương

Đà Nẵng tạo nguồn nhân lực “lõi hạt nhân”

Tuấn Vỹ 03/10/2024 15:19

TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch đào tạo cụ thể trong tương lại và kêu gọi doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cùng tham gia.

dao-tao-nganh-vi-mach.jpg
Mục tiêu đạt 5.000 kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn vào năm 2030 của Đà Nẵng có thể hoàn thành khi có sự “bắt tay” của Chính quyền – Doanh nghiệp – Nhà trường. (Đào tạo thiết kế hệ thống điều khiển thông minh tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng)

Xác định nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn, TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch đào tạo cụ thể trong tương lại và kêu gọi doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cùng tham gia.

Công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là một bộ phận quan trọng trong 05 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững Đà Nẵng.

Chú trọng công tác đào tạo

Tính đến cuối năm 2023, Đà Nẵng có hơn 52.500 nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), trong đó có 25.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Mục tiêu đến 2030, địa phương này đào tạo 5.000 kỹ sư, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế; 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói và thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 01- 02 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.

Để hoàn thành mục tiêu, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách đã và đang được xây dựng, thực hiện đồng bộ nhằm phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Đề án Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo TP Đà Nẵng; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP Đà Nẵng và một số chính sách hỗ trợ khác. Cùng với đó là 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT gồm 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy.

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho hay thành phố đã xác định nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn. Song song với việc tổ chức tuyển sinh mới đào tạo bậc đại học, thạc sỹ, tiến sỹ các ngành công nghiệp bán dẫn, ông Minh cho biết Đà Nẵng đã đưa STEM vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông thì trong ngắn hạn, chú trọng đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp đối với lực lượng kỹ sư đã tốt nghiệp, các giảng viên chuyên ngành gần sang vi mạch bán dẫn.

Bên cạnh đó, ông Minh cho biết, Đà Nẵng cũng ưu tiên thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài chuyên ngành vi mạch bán dẫn và các ngành gần trên cơ sở triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết làm nền tảng phát triển nguồn nhân lực bán dẫn trong dài hạn. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, kết nối giữa các trường đại học trên địa bàn thành phố với các trường đại học ở các nước có thế mạnh đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.

“Đặc biệt, thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà Doanh nghiệp. Trong đó Chính quyền thành phố là cơ quan điều phối, thiết lập cơ chế hợp tác; định hướng về chiến lược, mục tiêu, lộ trình thực hiện; ban hành các chính sách và hỗ trợ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng chia sẻ dùng chung; thiết lập hệ thống kết nối cung cầu nhân lực vi mạch bán dẫn giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo”, ông Hồ Kỳ Minh cho hay.

Gắn kết “tam giác” 3 nhà

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã xác định quan điểm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh; dựa trên nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển khâu thiết kế và kiểm thử, đóng gói chip. Song song, địa phương này cũng sẽ là xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vi mạch bán dẫn, khai thác tối ưu thế mạnh đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp trong đó ưu tiên hợp tác với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới để có phương án tham gia phù hợp trong chuỗi giá trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn cho thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Lê Hoàng Phúc – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) đánh giá các doanh nghiệp đang rất cần nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng cao. Theo ông Phúc, hiện nay Đà Nẵng đang tập trung vào xác định nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trong thiết kế, kiểm thử, đóng góp không những ở trong nước mà còn là nước ngoài.
“Thông qua các đối tác chiến lược là các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài đầu tư tại Đà Nẵng, hy vọng sẽ kết nối được nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hiện nay”, ông Phúc kỳ vọng.

Tại Hội nghị kết nối cung cầu nhân lực vi mạch bán dẫn vừa qua, ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, việc phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn là lĩnh vực cần được ưu tiên nghiên cứu phát triển một cách bài bản và dài hạn. “Sự gắn kết “tam giác” giữa ba nhà gồm Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp sẽ là nền tảng đảm bảo hoạt động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo đòn bẩy để Đà Nẵng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thanh nhận định..

Tuấn Vỹ