Chính sách - Quy hoạch

VCCI kiến nghị giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2024

Diệu Hoa 01/10/2024 17:11

VCCI đề nghị giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2024 và có mức giảm cao hơn cho 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão Yagi.

a24a9f15be956acb338413-10444ced48dfecb7016c5fecfa108df5(1).jpg
VCCI kiến nghị áp dụng mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2024. Ảnh: DH

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, về mức giảm tiền thuê đất chung trên cả nước, Dự thảo Bộ Tài chính đưa ra hai phương án về mức giảm tiền thuê đất: Phương án 1: giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024; Phương án 2: giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024.

Dự thảo Tờ trình cũng cho thấy tình hình thu ngân sách năm 2024 rất khả quan. Trong 6 tháng đầu năm đã thu được 60,4% dự toán, vượt 16,42% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm đã thu được 72,65% dự toán, vượt 19,09% so với cùng kỳ; tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước đã đạt đến 91,63% dự toán. Tờ trình cũng nhận định “dự toán thu ngân sách năm 2024 đã được Quốc hội thông qua sẽ đạt và vượt; số tiền thuê đất giảm theo chính sách này không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nói chung…”

Theo VCCI, chính sách giảm tiền thuê đất trong các năm từ 2020 đến 2023 đã mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh khi chịu tác động của Covid. Mức giảm tiền thuê đất của năm trước là 30% và được đánh giá là hợp lý.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2, áp dụng mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2024.

Về mức giảm tiền thuê đất cho cho 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão Yagi, VCCI cho biết, sau những thiệt hại nặng nề do bão, các doanh nghiệp tại các tỉnh thành phố này đang rất cần được hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 143 trong đó yêu cầu nghiên cứu chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mức giảm tiền thuê đất cho 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão cao hơn so với mức giảm chung của cả nước. Chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp tại các địa phương này có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và chuẩn bị phúc lợi cho người lao động cho dịp tết sắp tới.

tthc-17004815307431110374860.jpeg

Trước đó, VCCI cũng đã có văn góp ý dự thảo Báo cáo “Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam”. Trong đó, VCCI bày những lưu ý về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực cấp phép kinh doanh, có thể dẫn đến sự lỏng lẻo trong quản lý rủi ro.

VCCI cho rằng, thay vì chỉ giảm thời gian xử lý hồ sơ từ 5 ngày xuống 3 ngày, nên loại bỏ hoàn toàn những thủ tục không cần thiết, như việc cấp chứng chỉ hành nghề trong một số lĩnh vực không ảnh hưởng lớn đến an toàn xã hội, ví dụ như tu bổ di tích.

Ngoài ra, việc quá tập trung vào các biện pháp đơn giản hóa mà bỏ qua yếu tố cải cách sâu rộng sẽ chỉ mang tính tạm thời. Nếu chỉ dừng lại ở những cải cách bề mặt, nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng kém phát triển bền vững. Cụ thể, doanh nghiệp có thể bị hấp dẫn bởi những lợi ích ngắn hạn từ các thủ tục đơn giản hơn, nhưng về lâu dài, khi các vấn đề rủi ro tích tụ, nền kinh tế có thể đối mặt với các khủng hoảng không lường trước.

Các kiến nghị từ VCCI đưa ra một cái nhìn toàn diện về những hạn chế của quá trình cải cách thủ tục hành chính hiện nay và nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp mang tính hệ thống và dài hạn. Điều này đòi hỏi một lộ trình cải cách rõ ràng, đồng bộ và minh bạch, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và bền vững.

Diệu Hoa