Nam Định: Nâng vị thế trên bản đồ ngành công nghiệp công nghệ cao
Các dự án FDI đầu tư vào Nam Định trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là nguồn sản phẩm góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh.
Nâng cao giá trị
Mới đây, Tập đoàn Quanta Computer Inc., của Đài Loan (Trung Quốc) vừa chính thức xuất hai lô hàng mẫu máy tính xách tay từ nhà máy tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận, TP Nam Định chỉ sau 16 tháng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án.
Hai lô hàng mẫu máy tính xách tay của Tập đoàn Quanta Computer Inc., cung ứng cho bạn hàng là các tập đoàn hàng đầu thế giới về máy tính xách tay.
Trước đó, chỉ trong vòng chưa tới 48 giờ đồng hồ, Tập đoàn Quanta Computer Inc., đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án khi hoàn tất hồ sơ đăng ký. Sự hỗ trợ nhanh chóng của tỉnh Nam Định không chỉ giúp doanh nghiệp này khẳng định năng lực sản xuất, sớm đưa sản phẩm ra thị trường, tạo cơ hội lớn trong việc mở rộng hoạt động thương mại quốc tế mà còn giúp doanh nghiệp yên tâm tiếp tục thực hiện các bước theo lộ trình đầu tư tăng năng lực sản xuất.
Ông Vu Quốc Phong - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quanta Computer Inc. cho biết, phía Tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, nhiệt tình từ các cấp chính quyền địa phương để dự án sớm được khởi công, hoàn tất xây dựng nhà máy số 1, lắp đặt thiết bị quy mô sản xuất 1,3 triệu chiếc máy tính, chạy thử hệ thống đến sản xuất với tốc độ nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Dự kiến, năm 2025, công suất của dự án đạt 2,6 triệu máy, năm 2026 đạt 3,6 triệu máy, năm 2027 đạt 4 triệu máy, năm 2028 đạt 4,5 triệu máy. Dự kiến, đến cuối năm 2024, Tập đoàn sẽ sử dụng khoảng 2.000 lao động, đến cuối năm 2025 sẽ sử dụng 9.000 lao động.
Trước đó, vào tháng 4/2024, Công ty TNHH Top Textiles tại KCN Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) cũng đã làm thủ tục xuất lô hàng đầu tiên với khối lượng 3,5 tấn hàng mẫu Uniqlo, trị giá 53.000 USD. Dự án Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles được khởi công từ tháng 7/2022, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với công suất 60 triệu mét vải/năm, gấp 4 lần công suất của tỉnh Nam Định hiện nay. Hiện dự án đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đây là dự án công nghệ cao, sử dụng ít công nhân, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao. Khi hoàn tất đầu tư giai đoạn 2, nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 120 triệu mét vải/năm.
Như vậy, việc các dự án công nghiệp công nghệ cao được triển khai, đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh Nam Định, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các vùng lân cận.
Ngoài ra, với nhóm dự án FDI mới đầu tư vào tỉnh Nam Định, dự báo từng bước sẽ có thêm các doanh nghiệp lớn thuộc các nhóm hàng có giá trị cao như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng... sẽ đầu tư vào đây. Đây được cho là là nguồn sản phẩm góp phần gia tăng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định.
Tiếp tục “hút” dự án thân thiện với môi trường
Sự kiện xuất hai lô máy tính xách tay hàng mẫu đầu tiên của Tập đoàn Quanta Computer Inc., và lô hàng mẫu đầu tiên của Uniqlo của Công ty TNHH Top Textiles đã minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Nam Định và các doanh nghiệp FDI. Điều này cũng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế song phương, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Nam Định trên bản đồ ngành công nghiệp công nghệ cao.
Theo Cục thống kê tỉnh Nam Định, 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 14,34% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ năm 2019 đến nay. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,46%. Cũng tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định đạt 1.848 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1.323 triệu USD, tăng 10,7%.
Tỉnh Nam Định định hướng đến năm 2030 cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về công nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2045, trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Nam Định đã tập trung điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế của tỉnh. Địa phương này đã và đang quyết tâm xúc tiến đầu tư, chọn lọc dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn nhằm mở rộng dư địa cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Trong 8 tháng đầu năm 2024, địa phương này đã đón nhận nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường…
Ông Kyuichi Fukumoto – Giám đốc Tập đoàn Dệt Pacific, đồng thời là Chủ tịch Công ty TNHH Top Textiles chia sẻ, phía doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường và đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải có đầu ra đạt chuẩn cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT và hệ thống xử lý khí thải để đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp Việt Nam. Phía doanh nghiệp cũng lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn cả yêu cầu đối với ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định, đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng của tỉnh Nam Định trong thời gian qua. Tỉnh Nam Định sẽ tăng cường cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư. Đồng thời, tập trung vào những thị trường mà có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới tỉnh Nam Định. Trong đó, tập trung thu hút các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: chíp, bán dẫn, điện tử... Cùng với đó, tỉnh Nam Định sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến cụ thể trong từng lĩnh vực, từng tập đoàn để có thu hút đầu tư hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Cũng theo ông Phạm Gia Túc, tỉnh Nam Định đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt đã chủ động đầu tư hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đưa vào cung ứng phục vụ sản xuất.