Các sàn thương mại điện tử bắt đầu “tận thu”
Shopee, Tokopedia, TikTok hay Lazada đang từ từ nâng mức phí dành cho người bán nhằm kiếm lợi nhuận sau thời gian dài khuyến mãi.
Hết quý I/2024, giá trị tổng hàng hóa (GMV) trên sàn Shopee là 2,12 tỷ USD. Số lượng người bán của Shopee vượt 262.000. Đại diện Shopee Việt Nam thông tin hiện có khoảng hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam tham gia thương mại xuyên biên giới trên sàn này và mỗi tháng đều thu hút thêm hàng ngàn nhà bán hàng mới nhập cuộc, quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á.
Những con số đó cho thấy sức mạnh của thương mại điện tử nhưng mặt khác là sự phụ thuộc của các nhà bán vào sàn. Sau một thời gian khuyến mãi đậm, các sàn bắt đầu “thu hoạch” doanh số từ những thương nhân này.
Đẩy mạnh số tiền nhận được từ người bán và các đơn đặt hàng là một trong những chiến lược trọng tâm nhằm tăng trưởng doanh thu của các ông lớn TMĐT ở Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ phát triển TMĐT giảm sút vì người mua bắt đầu quay trở lại các cửa hàng thực địa.
Trong những tháng gần đây, các nền tảng TMĐT thay nhau điều chỉnh cấu trúc phí. Sau khi Shopee tăng phí ở Malaysia hồi tháng 7, Lazada (thuộc Alibaba Group) và TikTokShop cũng có động thái tương tự.
Ngày 16/9, Tokopedia (Indonesia) đã tăng phí hoa hồng lên 10% trên mức giá bán, tùy thuộc vào từng ngành hàng khác nhau. Mức cao nhất trước đó là 6,5%. Cũng trong tháng 9, Shopee đã tăng phí hoa hồng cho một số người bán ở Indonesia từ khoảng 3,5 - 6,5% lên thành 4,25 - 8%.
Cả Tokopedia và SEA (công ty mẹ của Shopee) đều không đưa ra thông tin chi tiết về việc tăng phí này.
Kai Wang, chuyên gia phân tích tại Morningstar, nhận định rằng người bán sẽ không vui khi bị mất thêm phí, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác vì các kênh TMĐT này chiếm phần không nhỏ trong các kênh phân phối.
Mức phí hoa hồng tăng cao khiến một số nhà bán tìm kiếm các giải pháp thay thế. Một người chuyên bán các loại hạt rang trên Shopee, Lazada và TikTok Shop ở Malaysia cho biết mình đã đóng các cửa hàng trực tuyến vào tháng trước vì phí cao và quy định thời gian giao hàng ngặt nghèo. Anh cảm thấy “kiệt sức” vì lợi nhuận giảm, chi phí tăng cao. Anh dự kiến tự mở cửa hàng online của riêng mình.
Trong khi đó, một nhà bán ngành hàng may mặc trên TikTok Shop khẳng định mình vẫn tiếp tục ở lại, vì xây dựng kênh riêng rất tốn kém và tốn thời gian, đặc biệt đối với khâu tiếp thị và vận chuyển hàng hóa. Anh cho rằng phí hoa hồng là “cái giá phải trả” nếu muốn xuất hiện thường xuyên trước mặt người tiêu dùng.
Bất chấp việc một số người bán không hài lòng, các nhà phân tích nhận định rằng việc tăng phí sẽ không gây ảnh hưởng quá đáng kể đối với các nền tảng.
Kể từ những năm 2010, các sàn TMĐT địa phương như Tokopedia, Lazada hay Shopee đã cạnh tranh với nhau bằng các chính sách về giá, khuyến mãi và phí hoa hồng thấp nhằm thu hút thị phần. Tuy nhiên mọi chuyện thay đổi hai năm trước, khi thế giới mở cửa sau đại dịch. Lãi suất cao, các nhà đầu tư e dè đã khiến các sàn TMĐT phải nhanh chóng cắt giảm chi tiêu, cắt giảm nhân viên để cải thiện lợi nhuận.
Mọi chuyện khó khăn hơn khi thị trường ngày càng đông đúc. Năm 2021, TikTok Shop ra mắt Đông Nam Á. Nền tảng này một mặt tận dụng được lượng người dùng khổng lồ, mặt khác đưa ra chính sách hoa hồng hấp dẫn đối với người bán. Vậy nên họ có bước tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt trong ngành hàng làm đẹp và thời trang.
Điều này buộc đại ca Shopee phải dồn lực tấn công, đầu tư vào các tính năng livestream bán hàng nhằm giữ thị phần. Trong khi đó Tokopedia đã gặp nhiều khó khăn và tuyên bố bán 75% cổ phần cho TikTok vào tháng 12/2023. Việc mua lại được hoàn thành trong năm nay.
Thống kê cho thấy trong năm 2023, Shopee vẫn là cái tên dẫn đầu với 48% thị phần trong tổng khối lượng hàng hóa (GMV) trong khu vực, tiếp theo là Lazada 16,4% và TikTok cùng Tokopedia mỗi bên chiếm 14,2%.
Ngoài phí hoa hồng và các ưu đãi, những nền tảng TMĐT còn cạnh tranh ở nhiều khía cạnh khác.
Trong một động thái gần đây, Shopee đã bắt tay cùng YouTube ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến ở Indonesia. Với dịch vụ này, người xem YouTube có thể mua hàng trên Shopee thông qua các liên kết. Hai công ty có kế hoạch mở rộng dịch vụ ở những thị trường khác như Thái Lan và Việt Nam.
Wang nhận định: “Phần lớn các sản phẩm trên các nền tảng đã được thương mại hóa, nên giữa các nền tảng không có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên khi nền tảng nào có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn, lập tức các bên khác sẽ cạnh tranh bằng cách giảm giá, khuyến mãi. Điều này dẫn đến những áp lực về lợi nhuận về lâu về dài.”