Ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Bên cạnh việc khởi kiện ra Toà án hay Trọng tài, doanh nghiệp có thể lựa chọn giải pháp tiến hành khiếu nại để ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao và cộng sự với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng khác nhau, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, hành vi này đã và đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế.
Cùng với việc khởi kiện ra cơ quan tài phán như Tòa án hay Trọng tài khi đã xác định được doanh nghiệp đối thủ gây ra thiệt hại cho mình và muốn được đền bù phần thiệt hại, thì tổ chức, cá nhân cũng có quyền chọn giải pháp khiếu nại đến cơ quan cạnh tranh nếu phát hiện hành vi vi phạm này.
Mặc dù, việc khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh chỉ mang ý nghĩa trong việc thông báo đến cơ quan cạnh tranh, tuy nhiên, đây là giải pháp cần thiết để cơ quan này có biện pháp chấn chỉnh, giúp ổn định thị trường.
Để thực hiện khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những gì, thưa ông?
Về thành phần hồ sơ và quy trình giải quyết khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, Luật Cạnh tranh hiện nay đã có những quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị hồ sơ theo khoản 3 Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018, đối với đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp cần tham khảo mẫu M02 trong Quyết định số 60/QĐ-CT vừa được Ủy ban Cạnh tranh quốc gia ban hành vào ngày 05/7/2023.
Bên cạnh đó, sau khi nhận được hồ sơ khiếu nại của doanh nghiệp, trong vòng 07 ngày làm việc, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ chỉ kiểm tra sơ bộ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại chứ chưa tiến hành xem xét nội dung. Khi này, doanh nghiệp chỉ mới nhận được thông báo rằng đã tiếp nhận hồ sơ, trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo cho các bên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia mới chính thức xem xét nội dung hồ sơ dựa trên quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018.
Nếu nội dung hồ sơ thỏa mãn yêu cầu luật định, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia mới có thể thực hiện các bước tiếp theo. Ngược lại, nếu hồ sơ không bảo đảm yêu cầu, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo bằng văn bản của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia về việc bổ sung hồ sơ.
Trong trường hợp doanh nghiệp cần thêm thời gian bổ sung hồ sơ khiếu nại, theo quy định, doanh nghiệp với tư cách là bên khiếu nại phải có đề nghị tới Ủy ban Cạnh tranh quốc gia về việc gia hạn thời hạn bổ sung hồ sơ, việc gia hạn này không phải tự động - Đây là một nội dung quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý vì nếu không bổ sung trong thời hạn luật định thì hồ sơ sẽ bị trả.
Về cách thức đề nghị gia hạn thời gian bổ sung hồ sơ khiếu nại, hiện tại pháp luật hay các cơ quan chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, trước khi hết thời hạn 30 ngày, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn tất bổ sung hồ sơ thì nên có văn bản đề nghị gia hạn gửi đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, trong đó cần có: thông tin của doanh nghiệp, căn cứ trên thông báo bổ sung hồ sơ số bao nhiêu của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cơ sở pháp lý đề nghị gia hạn thời hạn bổ sung hồ sơ.
Ngoài ra, các thời hạn quy định ở đây đều là “ngày”, không phải “ngày làm việc”, do đó doanh nghiệp cần tính cả ngày nghỉ hàng tuần, lễ, Tết,... để đảm bảo bổ sung hồ sơ đúng thời hạn luật định…
Đặc biệt, doanh nghiệp khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ chứng minh cho khiếu nại của mình.
Việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần được tiến hành trước khi doanh nghiệp nộp hồ sơ khiếu nại bởi đây là một thành phần quan trọng của hồ sơ, đồng thời là cơ sở để Ủy ban Cạnh tranh quốc gia quyết định có điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh hay không…
Ngoài những vấn đề đã nêu, để việc khiếu nại cạnh tranh không lành mạnh diễn ra thuận lợi, ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp?
Khi doanh nghiệp đã quyết định tiến hành thủ tục khiếu nại lên cơ quan cạnh tranh, cần lưu ý thực hiện việc khiếu nại trong vòng 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh được thực hiện theo khoản 2 Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018.
Bởi trên thực tế, việc xác định thời điểm diễn ra hành vi vi phạm này khá khó khăn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là đối với hành vi hạn chế cạnh tranh hay tập trung kinh tế.
Riêng đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, vì thường có các dấu hiệu tương đối rõ ràng nên việc xác định thời điểm trên có thể dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ngay khi phát hiện hành vi vi phạm, doanh nghiệp nên ngay lập tức tiến hành việc khiếu nại để đảm bảo thời hạn luật định, đặc biệt lưu ý bước lập hồ sơ khiếu nại hay thu thập chứng cứ bởi công việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian.
Trân trọng cảm ơn ông!