Nghiên cứu - Trao đổi

Luật Cạnh tranh dưới góc nhìn chuyên gia

Hương Giang 06/10/2024 15:00

Cần xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh có vị thế đủ mạnh, độc lập để thực thi Luật Cạnh tranh nhằm duy trì, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

img_3081.jpg
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh về việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ.

Đó là kiến nghị của các chuyên gia trước những hạn chế, bất cập trong thực thi Luật Cạnh tranh cũng như quá trình xử lý và giải quyết khiếu nại và tố tụng hành chính đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh.

Khó thực thi trong Luật Cạnh tranh

Theo bà Trần Phương Nhung - Trưởng Ban Thư ký các Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, với đặc trưng của nền kinh tế chuyển đổi, Việt Nam thực sự thực thi những nguyên lý của cơ chế thị trường và chưa từng được biết đến trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trên thực tế, chúng ta đã dần quen với việc vận dụng một động lực mới có sự phát triển là cạnh tranh. Cạnh tranh đã đem lại cho thị trường và đời sống xã hội một diện mạo mới, linh hoạt, đa dạng, phong phú và ngày càng phát triển, đồng thời cũng làm này sinh nhiều vấn đề xã hội mà trước đây người ta chỉ tìm thấy trong sách vở, như phá sản, kinh doanh gian dối, cạnh tranh không lành mạnh.

Cũng theo bà Nhung, qua hơn 20 năm phát triển nền kinh tế thị trường, cạnh tranh đã không còn mới mẻ trong đời sống kinh tế xã hội và trong nền khoa học pháp lý của Việt Nam. Song trong quá trình công tác lập pháp và thực thi pháp luật cạnh tranh chúng ta còn quá ít kinh nghiệm đã dẫn đến nhiều bất cập, nhiều quy định còn chung chung, khó thực thi.

Nêu dẫn chứng, bà Nhung cho biết, tại Điều 13 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hạn chế cạnh tranh, gồm: hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Trong đó, tác động hạn chế cạnh tranh là tác động ngoại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh. Đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thoả thuận giữa các bên dưới bằng mọi hình thức gây tác động hoặc gây tác động hạn chế cạnh tranh. Đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Như vậy, nếu nhìn theo quy định trên vẫn còn khá chung chung và điều này sẽ dẫn đến khó thực thi trong Luật Cạnh tranh.

Thêm ví dụ về quy định chung chung khác, bà Nhung hay, trong Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018, thì doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, bao gồm: Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp, như: Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan; Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

Doanh nghiệp cần phải tránh để không vi phạm

Phân tích về các nguyên nhân dẫn đến hành vi, bà Nhung cho biết, các hành vi thông thường được thực hiện, như: bán hàng hoà, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh; Áp đặt giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gay ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng. Song, hướng xử lý các hành vi vi phạm như thế nào vẫn là đáp án đi tìm lời giải.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Phú – nguyên Phó Chánh án Toà án kinh tế TPHCM cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về cạnh tranh, các nhà khoa học dường như chưa thể thỏa mãn với bất cứ khái niệm nào về cạnh tranh. Bởi lẽ, với nền kinh tế thị trường, cạnh tranh xuất hiện ở mọi lĩnh vực, mọi công đoạn của quá trình kinh doanh và gắn liền với bất cứ chủ thể nào đang hoạt động trên thị trường. Do đó, cạnh tranh được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau tùy thuộc vào ý định và hướng tiếp cận của các nhà khoa học. Và đây chính là những vẫn đề khó cho cả cơ quan quản lý cũng như các đối tượng là các doanh nghiệp trong quá trình thực thi Luật Cạnh tranh.

Vì vậy, để hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, doanh nghiệp cần lưu ý áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác.

“Không áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ; Yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác, ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác”, ông Nguyễn Công Phú lưu ý.

Hương Giang