Kinh tế thế giới

Chỉ thị CSRD của EU đang làm khó doanh nghiệp châu Á?

Cẩm Anh 03/10/2024 11:06

Chỉ thị CSRD của Liên minh châu Âu (EU) đưa báo cáo về tính bền vững lên mức chưa từng có, cho phép các công ty có sự chuẩn bị tốt chiếm ưu thế.

img_1034.png
Việc triển khai chỉ thị CSRD sẽ là sự thay đổi trong cách doanh nghiệp liên hệ chiến lược kinh doanh với hành trình thực hành phát triển bền vững.

Theo Chỉ thị báo cáo tính bền vững của doanh nghiệp (CSRD), các công ty lớn không thuộc EU đã niêm yết trên thị trường chứng khoán phải tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin mới về hoạt động của họ bắt đầu từ năm 2024, trong khi các công ty nhỏ hơn sẽ có thời hạn muộn hơn. Nhiều công ty nước ngoài niêm yết ngoài EU phải tuân thủ từ năm 2028, tùy thuộc vào mức doanh thu của họ.

Ông Ryan Foo, Giám đốc kỹ thuật cấp cao tại TUV Rheinland cho biết: "Cả các công ty EU có chi nhánh ở thị trường nước ngoài và các công ty nước ngoài có trụ sở kinh doanh tại EU đều sẽ bị ảnh hưởng bởi chỉ thị này". Ông nói thêm rằng các công ty Trung Quốc có kế hoạch thành lập nhà máy sản xuất pin, xe điện hoặc tấm pin mặt trời tại EU sẽ bị ảnh hưởng.

EU đã đưa ra CSRD để yêu cầu các công ty tiết lộ dấu chân carbon của mình cho các nhà đầu tư. Đây là một phần trong chiến dịch của EU nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Will Symons, người đứng đầu về tính bền vững của Deloitte châu Á - Thái Bình Dương nhận định, chỉ thị CSRD yêu cầu các công ty phải xác định, đánh giá và công bố các chỉ số liên quan đến bền vững cùng với các tác động tài chính của chúng một cách chưa từng có.

Ông nói thêm rằng nhiều công ty ở châu Á vẫn chưa sẵn sàng để đáp ứng các yêu cầu này, điều này có thể làm ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của họ.

“Những công ty hiểu rõ mối liên hệ giữa hiệu suất bền vững và các yếu tố chủ chốt tạo ra giá trị của họ sẽ có lợi thế tốt nhất trong việc sử dụng các dữ liệu mới mà họ thu được thông qua việc tuân thủ CSRD, từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh”, ông Symons cho biết.

img_1035.jpeg
Các công ty thuộc EU và các doanh nghiệp không thuộc EU nhưng hoạt động ở EU sẽ phải báo cáo về tính bền vững theo Chỉ thị CRSD.

Trong khi một số lượng tương đối nhỏ các nhà xuất khẩu châu Á sẽ phải đối mặt với các nghĩa vụ báo cáo trực tiếp theo CSRD, thì phần lớn các doanh nghiệp sẽ cảm nhận tác động "thứ cấp" khi phải cung cấp dữ liệu cho các khách hàng có nghĩa vụ tuân thủ quy định này.

Điều này xuất phát từ việc nhiều nhà xuất khẩu tại châu Á không có hệ thống và quy trình để thu thập loại dữ liệu về tính bền vững mà khách hàng của họ cần.

Theo các quy định mới được Trung Quốc đại lục công bố trong năm nay, chỉ hơn 400 công ty lớn niêm yết phải công bố báo cáo phát triển bền vững bao gồm kế hoạch phát thải và giảm phát thải carbon của họ từ năm 2026.

Mặc dù vậy, ngày càng nhiều các doanh nghiệp châu Á đánh giá cao tiềm năng của việc thực hiện CSRD để nâng cao tính cạnh tranh và đảm bảo việc thực hiện các hoạt động ESG của họ.

Paul Volpe, Phó chủ tịch cấp cao của Growth Solutions tại Workiva, nhận định: "Việc áp dụng CSRD đánh dấu quy định lớn đầu tiên yêu cầu công bố thông tin tài chính và bền vững tích hợp với sự đảm bảo từ bên thứ ba".

Ông Volpe cũng nói thêm rằng các doanh nghiệp đều đồng thuận rằng việc hợp nhất dữ liệu tài chính và dữ liệu bền vững có lợi cho việc ra quyết định, góp phần nâng cao hiệu quả tài chính của doanh nghiệp, cũng như tạo ra giá trị dài hạn.

Đồng quan điểm, Paul Dickinson, thành viên Hội đồng tư vấn ESG của Workiva, nhận xét: "Chỉ thị CSRD đang đóng vai trò là chất xúc tác cho sự đổi mới. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để cải thiện việc công bố thông tin về tính bền vững trong hoạt động",

Cẩm Anh