Tín dụng - Ngân hàng

Không lo nợ xấu tiềm năng từ tái cơ cấu nợ do bão Yagi

Lê Mỹ 03/10/2024 05:12

Số dư nợ dự kiến (bị ảnh hưởng bởi bão Yagi) được tái cơ cấu sẽ ở mức nhỏ, do đó, các khoản nợ xấu tiềm năng cũng sẽ nhỏ.

NHNN đang chuẩn bị ban hành Thông tư cho phép các ngân hàng địa phương, theo yêu cầu của các khách hàng vay bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, được gia hạn thời gian trả nợ đối với số dư nợ gốc và lãi của khoản nợ mà không phải thay đổi phân loại khoản nợ.

Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng được hỗ trợ với những thay đổi trong Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở mới, thúc đẩy nhu cầu mua nhà. Ảnh minh họa
NHNN ước tính tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi là 165 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ USD), tương đương 1,16% tín dụng toàn hệ thống. Ảnh minh họa

Theo dự thảo Thông tư, các ngân hàng có trách nhiệm xem xét và quyết định rằng khách hàng vay thực sự gặp khó khăn về dòng tiền, để đáp ứng các khoản thanh toán đến hạn và khách hàng vay có thể ổn định lại và thực hiện thanh toán vào cuối thời hạn tái cơ cấu.

Điều này áp dụng cho các khoản nợ được thực hiện trước ngày 07/9/2024, có khoản thanh toán gốc và/hoặc lãi đến hạn trong khoảng thời gian từ 07/9/2024 đến 31/12/2025.

Các khoản nợ này phải là khoản nợ đang hoạt động (tức là các khoản nợ tiêu chuẩn hoặc quá hạn không quá 10 ngày) theo hợp đồng vay ban đầu.

Các khoản nợ mục tiêu có thể được gia hạn thanh toán nhiều lần, và tối đa là 12 tháng kể từ ngày tái cơ cấu (nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2026).

Chứng khoán Maybank Việt Nam (MSVN) cho rằng không lo nợ xấu tiềm năng từ chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ. Bởi theo NHNN, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi ước tính là 165 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ USD), tương đương 1,16% tín dụng toàn hệ thống (tính đến giữa tháng 9/2024).

"Theo quan điểm của chúng tôi, số dư nợ dự kiến (bị ảnh hưởng bởi bão Yagi) sẽ được tái cơ cấu sẽ ở mức nhỏ, do đó, các khoản nợ xấu tiềm năng cũng sẽ nhỏ.

Để so sánh, số dư nợ đã được tái cơ cấu theo Thông tư 02 (áp dụng cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế 2022-2023, nghiêm trọng hơn và có tác động sâu rộng) đã đạt khoảng 230 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,64% tổng tín dụng (tính đến quý II/2024), nhóm nghiên cứu MSVN nhận định.

Thông tư cơ cấu nợ và giảm lãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, hiện đang được các NHTM mong đợi. Theo chính sách chung của Chính phủ, NHNN, hàng loạt ngân hàng từ nhóm Big4 như BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank, đến các TCTC vốn tư nhân, như SHB, VPBank, MSB, HDBank, MBB, ACB, Bản Việt, LPBank, TPBank, AnBinhBank..., ngân hàng nước ngoài như Shinhan Bank Việt Nam... đã ban hành các chương trình hỗ trợ giảm lãi, giãn nợ và đang tiến hành đánh giá, rà soát thiệt hại, tổn thất của khách hàng để triển khai, song song cho vay mới; tuy nhiên lại vẫn phải trông chờ các chính sách đồng bộ, văn bản cụ thể.

No Yagi
Những điểm chính trong dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 (Yagi).

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), ngoài việc đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách vay, NHNN sẽ báo cáo Chính phủ cho giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, về chính sách, đã có một số các cơ chế như Nghị định 15, Nghị định 116 về giãn hoãn nợ … chỉ áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, còn Thông tư 39 lại chưa quy định về việc phân loại nhóm nợ đã giãn, hoãn. Do đó, cơ quan quản lý xây dựng dự thảo Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng để có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực; Đồng thời, trình Chính phủ ban hành quyết định giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Lê Mỹ