Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông: Kỳ IV - Tạo động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân
Tăng đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân là một trong những giải pháp để tạo đột phá, cánh cửa mở cho Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông.
Bên cạnh việc thường xuyên nạo vét luồng lạch, xây dựng cầu cảng để phát triển cảng biển thì Chính phủ cần tháo gỡ các quy định về tín dụng đầu tư.
Tạo đột phá cho đầu tư tư nhân
Theo ông Nguyễn Quốc Vương - Giám đốc điều hành Cảng SP- ITC, theo dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ tăng gấp 1,6 - 2,1 lần; năm 2050 tăng gấp 4,1 - 4,8 lần so hiện nay. Do đó, để đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hoá, hệ thống cảng biển Việt Nam được hoạch định phù hợp quy định pháp luật, lợi thế tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng vùng, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ, thì việc tăng đầu tư công để dẫn dắt cho đầu tư tư nhân là một trong những giải pháp để cánh cửa mở cho Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông nhằm phát huy những lợi thế từ kinh tế biển, sẵn sàng hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, việc đầu tư này cũng cần phải phân cấp rõ để nêu cao vai trò, trách nhiệm của từng địa phương, từng cảng… để định hướng phương thức kết nối, tạo thành một chỉnh thể thống nhất cũng như phát huy tính hiệu quả của từng vùng.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống cảng trên sông Sài Gòn đang được dời ra khu đô thị cảng quốc tế phía Nam thành phố. Do đó, nơi này sẽ hình thành khu đô thị cảng sầm uất nhất cả nước với 4 cảng container quốc tế: Bến cảng container Trung tâm Sài Gòn, cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, và cả cảng Quốc tế Long An. Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần kết nối các nối cụm đô thị cảng biển lớn TP HCM với đô thị cảng biển hiện đại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL để trở thành cửa ngõ kinh tế kết nối Việt Nam với thế giới.
Phân tích tầm quan trọng của đầu tư công đối với đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cảng biển và giao thông đường thuỷ, ông Nhữ Đình Thiện - Phó Tổng thư ký Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải (VISABA), cho rằng: Năm 1999, Việt Nam đã quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển đầu tiên và đã tạo một bước ngoặt, đưa kinh tế khai thác cảng biển sang một trang mới. Từ đó đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam đã trải qua 02 thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2000-2010 và 2010-2020). Trong đó, định hướng phát triển hạ tầng cảng biển trong giai đoạn 2010-2020 đã được mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải hội nhập toàn cầu với quy mô cảng đáp ứng cho tàu trọng tải đến trên 100.000 DWT. Đây chính là thành công lớn của Việt Nam trong việc đẩy mạnh đầu tư công để tạo đột phá cho đầu tư tư nhân.
Khơi thông tín dụng đầu tư
Để đảm bảo đồng bộ cũng như thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong việc đẩy mạnh đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư nhân thì bên cạnh việc thường xuyên nạo vét luồng lạch, xây dựng cầu cảng để phát triển cảng biển thì Chính phủ cũng cần tháo gỡ các quy định về tín dụng đầu tư. Cụ thể, cần sửa đổi Nghị định 32/2017/NĐ-CP để khơi thông tín dụng đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Đồng thời, cần sửa Luật giao thông đường thủy nội địa, tăng vốn vay ưu đãi, giảm thuế…
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP HCM cho rằng: Trong chiến lược Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông sẽ không thể thiếu được vai trò của Nhà nước trong việc điều phối, phân bổ vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư, để khơi thông nguồn tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.
“Một đồng vốn đầu tư công cho việc phát triển hệ thống hạ tâng giao thông kết nối, sẽ có giá trị rất lớn trong nền kinh tế để dẫn dắt đầu tư tư nhân. Đặc biệt, cảng biển là một lĩnh vực đòi hỏi suất đầu tư rất lớn. Do đó, vai trò của Nhà nước cần phải được nêu cao”, TS Nguyễn Viết Thuận nhấn mạnh.
Hiện nay, TP HCM đã có Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch liên quan đến cảng biển, hàng hải, giao thông, gồm: nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch; nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải; nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng.
Do đó, việc hoàn thiện hệ thống văn bản, tạo thuận lợi cho phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải; tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và các bên liên quan là cơ hội rất lớn cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Song, để phát huy hiệu quả, TS Nguyễn Viết Thuận cho rằng, trong quá trình thực hiện chính sách cần tuân thủ quy hoạch. Trong đó, ưu tiên thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng - an ninh; cơ chế, chính sách đột phá để Đông Nam Bộ phát huy được vai trò là đầu tầu, cửa ngõ kinh tế của Việt Nam với thế giới.