Chính trị - Xã hội

Thủ tướng gặp gỡ doanh nhân: Những kỳ vọng từ sự lắng nghe và chia sẻ

Đức Hạnh 04/10/2024 04:34

Ngày 4/10, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt giới doanh nhân Việt Nam nhân dịp “Tết Doanh nhân” 13/10 và hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam.

anh-tt2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu Việt Nam tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước sáng 21/9/2024.

Buổi lễ gặp mặt không chỉ để biểu dương, cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà còn nối dài chuỗi các hoạt động lắng nghe, chia sẻ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành với doanh nghiệp - động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững tại thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước đang chuyển mình theo những xu hướng mới.

Trợ lực tiếp sức

Dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại, nhiều ngành công nghiệp mới ra đời; các nền kinh tế lớn liên tục điều chỉnh chính sách khiến các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, cấu trúc đầu tư thương mại thay đổi. Thực tế này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức vừa mang đến thời cơ, vận hội mới cho các quốc gia, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Việt Nam.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển và không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mặc dù vậy, để nắm bắt các cơ hội từ sự chuyển dịch kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng những vấn đề gốc rễ cản trở tăng trưởng, trong đó có khó khăn của doanh nghiệp cần tiếp tục được quyết liệt tháo gỡ.

Nhận diện những khó khăn, các báo cáo gần đây của Chính phủ đều đề cập đến những tác động bất lợi của bối cảnh trên toàn cầu, chưa có tiền lệ như xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào…

Trong khi đó, ở trong nước là một số vướng mắc, bất cập từ thể chế, pháp luật chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm, nhất là các dự án quy mô lớn.

Những tồn tại, bất cập trên không chỉ làm giảm các cơ hội đầu tư kinh doanh mà còn tác động đến niềm tin kinh doanh, khả năng cạnh tranh chống chịu của các doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan mà những hậu quả nặng nề do cơn bão Yagi để lại là một trong những minh chứng. Yêu cầu phát triển bền vững, chuyển đổi xanh gắn với chuyển đổi số càng trở nên cấp bách.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện mới đây cho thấy mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chưa cao khi có tới 64% doanh nghiệp chưa hề có sự chuẩn bị trong khi thời điểm chuyển tiếp của nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững tại các thị trường lớn sắp qua đi. Con số này cho thấy, với đa phần doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh; còn các doanh nghiệp lớn chưa phát huy được vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, của nền kinh tế.

thu tuong gap dn

Chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Sức khoẻ của nền kinh tế được phản ánh qua sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, nền kinh tế mới thực sự phục hồi và tăng tốc phát triển. Do đó, tạo dựng niềm tin, khơi dậy ý chí và khát vọng kinh doanh để doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục dốc vốn đầu tư, thúc đẩy kinh doanh, tạo việc làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là yếu tố cốt lõi để duy trì năng lực nội sinh của doanh nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ này, trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ luôn ưu tiên cho nội dung trọng tâm này nhưng cần tiếp tục cần đẩy mạnh thực hiện nhiều hơn nữa trong thời gian tới trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thể chế, chính sách cần thay đổi cách tiếp cận để không chỉ quản lý hiệu quả hơn mà còn kiến tạo sự phát triển. Trên cơ sở đó, các cơ chế, chính sách ban hành phù hợp với xu hướng mới, yêu cầu phát triển của nền kinh tế; đồng thời tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, điều kiện kinh doanh… còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Niềm tin của doanh nghiệp cũng cần được củng cố từ chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế, động viên doanh nhân, doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia để từ đó truyền đi hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, để doanh nghiệp chủ động hội nhập tốt hơn, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các vấn đề mới và quan trọng như chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, giảm thải carbon, đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đức Hạnh