Sóc Trăng thu hút đầu tư xây cảng biển Trần Đề
Sóc Trăng được định hướng là cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển cảng biển Trần Đề.
Cảng biển Trần Đề là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
Cửa ngõ của vùng ĐBSCL
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023.
Theo đó, Sóc Trăng được định hướng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL, có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.
Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển Cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước. Vì vậy, Cảng biển Trần Đề, hệ thống hạ tầng sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển phù hợp với năng lực nhà đầu tư và nhu cầu phát triển.
Quy hoạch cảng Trần Đề được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2021. Công trình có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng khoảng 100.000 DWT (tương đương 100.000 tấn), tàu hàng rời 160.000 DWT. Dự án có nhu cầu vốn ở giai đoạn khởi động khoảng 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn mỗi năm.
Cụm cảng Trần Đề sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tại ĐBSCL mà không phải chuyển đến Vũng Tàu. Trần Đề sẽ trở thành cảng biển đặc biệt theo Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Khu kinh tế ven biển Trần Đề quy mô dự kiến khoảng 40.000 ha được định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề. Việc thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, trở thành một động lực tăng trưởng đột phá, nhanh và bền vững của tỉnh Sóc Trăng trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh của khu kinh tế biển để phát triển tổng hợp các lĩnh vực thương mại, du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại…
Đồng bộ hạ tầng giao thông
Cảng Trần Đề được đánh giá sẽ kết nối kinh tế ĐBSCL với tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông, kỳ vọng là đột phá để đưa nhanh hàng hóa của các tỉnh ĐBSCL đi các nước. Chính vì thế, việc đầu tư bến cảng Trần Đề cho tàu biển trọng tải lớn để thực hiện việc xuất - nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho toàn vùng ĐBSCL là hết sức quan trọng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, hiện nay, hơn 70% hàng xuất khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên TP Hồ Chí Minh, dẫn tới tăng chi phí, mất nhiều thời gian, giảm tính cạnh tranh, chất lượng hàng hóa. Thời gian gần đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung nguồn lực đầu tư khu vực ĐBSCL, nhất là về hạ tầng giao thông.
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg, ngày 24/7/2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Những định hướng và chủ trương trên là căn cứ quan trọng để hình thành cảng Trần Đề, với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.
Để triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương, tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL, đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư Cảng biển Trần Đề.
Tỉnh Sóc Trăng cũng đồng thời tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối và phát huy hiệu quả, đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, như: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng; cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng... là tiền đề, kết nối tạo nên thành công của Cảng biển Trần Đề.