Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp là dịp để hai nước khẳng định mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-7/10.
Quan hệ Việt Nam - Pháp, nhất là sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2014-2024), ngày càng phát triển tốt đẹp.
Hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, Pháp là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ quốc phòng với Việt Nam (từ năm 1991).
Gần đây nhất, lần đầu tiên, một Bộ trưởng Quốc phòng Pháp dự Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đã khẳng định mong muốn cùng Việt Nam “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
21h45, ngày 3/10 (theo giờ địa phương), chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh tại sân bay Orly, thủ đô Paris, Pháp, bắt đầu chương trình tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp từ ngày 3-7/10.
Pháp đang là một trong những đối tác châu Âu hàng đầu của Việt Nam về du lịch, thương mại, đầu tư, viện trợ ODA; tham gia vào nhiều dự án góp phần vào sự phát triển, hiện đại hóa, cải thiện chất lượng và môi trường sống của người dân Việt Nam như Dự án Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và Pháp cũng ngày càng trở thành những đối tác đồng hành và tin cậy của nhau, chia sẻ nhiều định hướng phát triển và hợp tác.
Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp và tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với Cộng đồng Pháp ngữ cũng như quan hệ hai nước. Đồng thời khẳng định mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm của hai quốc gia trong việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Nhân dịp này, lãnh đạo hai bên sẽ có những trao đổi, đưa ra đường hướng cho quan hệ song phương trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ, đồng thời mở ra những lĩnh vực hợp tác mới.
Hai bên đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và qua đó cũng khẳng định được vai trò quốc tế của Việt Nam liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt trong những lĩnh vực năng lượng, giao thông, đổi mới sáng tạo. Bởi có rất nhiều các doanh nghiệp Pháp có thể chia sẻ những dịch vụ, công nghệ của mình, góp phần vào quá trình tăng cường hợp tác giữa Pháp và Việt Nam.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet thông tin, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, diễn ra từ ngày 4-5/10, sẽ được tổ chức tại hai địa điểm chính.
Ngày thứ nhất ở Villers-Cotterêts (tỉnh Aisne, cách Paris 80 km về hướng Đông Bắc), là nơi cách đây gần 500 năm, vào tháng 8/1539, vua François I ký sắc lệnh sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ hành chính tại Pháp.
Ngày thứ hai, Hội nghị sẽ được tổ chức tại Grand Palais (Cung điện lớn) ở Paris, một công trình được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Đây cũng chính là địa điểm được lựa chọn để tổ chức các phần thi đấu kiếm tại Olympic Paris 2024 vừa qua.
Nội dung tại Hội nghị sẽ liên quan đến thách thức mà chúng ta cần phải đương đầu trong giai đoạn tới, đặc biệt là những thách thức về quá trình phát triển, làm sao phát huy được những đổi mới, sáng tạo (ví dụ như trí tuệ nhân tạo) vào quá trình phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ.
Ngoài ra, các lãnh đạo cấp cao có thể trao đổi về những vấn đề khu vực, thế giới mà chúng ta đang giải quyết, ví dụ như cuộc xung đột ở Tây Phi, ở Lebanon, hay những chủ đề liên quan trực tiếp đến Việt Nam như hợp tác ở Biển Đông.
Bên cạnh Hội nghị cấp cao còn có rất nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức và nhận được sự tham gia tích cực của các nước Pháp ngữ, trong đó có đoàn Việt Nam. Có thể kể đến là không gian Làng Pháp ngữ với các gian hàng trưng bày, giới thiệu về văn hóa của các nước Pháp ngữ tham gia sự kiện lần này.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra Diễn đàn kinh tế và triển lãm FrancoTech nhằm giới thiệu, kết nối các đối tác kinh tế, các doanh nghiệp cũng như các thị trường Pháp ngữ.
Ngoài ra, còn có sự kiện Liên hoan Pháp ngữ với các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, khám phá văn hóa Pháp ngữ và thế giới, dự kiến thu hút nhiều bạn trẻ.
Kim ngạch thương mại song phương hai nước năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt gần 3,2 tỷ USD. Pháp luôn là một trong đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và EU, với quan hệ hợp tác kinh tế đa dạng và lâu dài. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu.
Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Cộng đồng Pháp ngữ luôn xem Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế xã hội, là trung tâm trong các hoạt động hợp tác pháp ngữ tại khu vực.
Việt Nam là một trong những thành viên thúc đẩy mạnh trụ cột kinh tế, nhất là kinh tế số trong không gian Pháp ngữ. Với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, có dân số khoảng 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian kinh tế Pháp ngữ còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác một cách sâu rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, du lịch bền vững, khoa học, công nghệ…