Đối ngoại

Động lực mới cho quan hệ đầu tư, thương mại Việt - Pháp

Trương Khắc Trà 05/10/2024 03:30

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ mở ra chương mới cho quan hệ thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Pháp.

phap.jpg
Trong 8 tháng đầu năm 2024, thương mại Việt Nam - Pháp đạt 3,4 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam và Pháp cùng nhau trải qua hơn nửa thế kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược. Với Việt Nam, xét trên nhiều phương diện, quốc gia ở Tây Âu là đối tác đặc biệt.

Thành quả sau 10 năm

Trước khi cộng đồng doanh nghiệp hai nước giao lưu, tiếp xúc trao đổi cơ hội đầu tư, kinh doanh, Việt Nam và Pháp đã có mối lương duyên trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn học, giáo dục.

Văn hóa Pháp được chọn lọc tiếp thu rất tinh tế ở Việt Nam, từ ngôn ngữ, phong cách sống đến kiến trúc, xây dựng. Dấu ấn của văn hoá Pháp ở Việt Nam là những điều tốt đẹp, tích cực, làm phong phú thêm chính văn hoá dân tộc chúng ta. Ngày nay, âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng, duy trì một dòng chảy bền bỉ bên cạnh văn hóa truyền thống dân tộc.

Sau khi Việt Nam mở cửa hội nhập quốc tế, người Pháp lại đến với tư cách nhà đầu tư với tổng số vốn từ năm 1993 đến nay gần 20 tỷ USD. Hiện nay, có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực ở Việt Nam. Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

Về thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Pháp năm 2023 đạt 4,8 tỷ đô la Mỹ.

Ở tầng nấc ngoại giao nguyên thủ quốc gia, hai nước duy trì tốt các chuyến thăm cấp cao nhất. Năm 2016, Tổng thống Francois Hollande thăm chính thức Việt Nam; năm 2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Tương lai rộng mở

Xét về yếu tố cung - cầu trong kinh tế, Việt Nam và Pháp là những mảnh ghép có thể bổ khuyết cho nhau những lĩnh vực còn thiếu sót trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng đặc thù; giáo dục và đào tạo, y - sinh học.

untitled.jpg
Nhà lãnh đạo Pháp cùng Phu nhân và Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Việt Nam là thị trường tiêu thụ dược phẩm và thiết bị y tế hàng đầu châu Á. Tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính đạt 7 tỷ USD vào năm 2023, thuộc nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển ngành dược nhanh trên thế giới.

Trong khi đó, Pháp sở hữu nền công nghiệp dược tiên tiến. Nhiều công ty dược phẩm trong số này đã hiện diện tại Việt Nam, thông qua liên doanh, đầu tư trực tiếp hoặc thỏa thuận phân phối, như Sanofi, Servier, Ipsen và Pierre Fabre.

Pháp được xem là “quốc gia tiêu dùng” ở châu Âu với quy mô thị trường 68 triệu khách hàng, đạt tiêu chí mỗi cá nhân chi tiêu ít nhất 12 đô la Mỹ/ngày. Đây là cơ hội không nhỏ với nền kinh tế xuất khẩu mạnh như Việt Nam. Hiện nay, tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,1% trên tổng nhập khẩu của Pháp.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Pháp giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, cao su, than đá, đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí, sản phẩm nhựa. Với khối lượng xuất khẩu sang Pháp khoảng 3,7 tỷ USD, Việt Nam luôn đạt được thặng dư thương mại.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (Franco Tech), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục quan tâm, đến đầu tư tại Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam đang tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để giúp các doanh nghiệp cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục vươn xa phát triển thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mang tầm vóc quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng bày tỏ tin tưởng rằng với những tiềm năng to lớn và sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam, Pháp và cộng đồng Pháp ngữ, các bên sẽ cùng nhau mở ra những chương mới trong quan hệ hợp tác, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp và mỗi quốc gia.

Pháp là quốc gia đi đầu về bảo vệ môi trường, nơi xuất phát của những quy định mới liên quan đến kinh tế xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Vì vậy, mặt hàng nông, thuỷ sản có chứng nhận hữu cơ sẽ có cơ hội gia tăng thị phần tại đây. Ngược lại, rất dễ bị phòng vệ thương mại nếu vi phạm tiêu chuẩn của Pháp.

Doanh nghiệp Pháp nhập khẩu gạo nhiều nhất EU, nhu cầu hàng năm khoảng 600.000 tấn, gạo Việt mới chỉ giành được khoảng 2% thị phần tại Pháp. Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Mặt hàng rau, quả cũng nhận được ưu đãi xóa bỏ thuế quan sau khi EVFTA có hiệu lực.

Theo nhiều chuyên gia, nếu xét tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, thì các kết quả đã đạt được trong đầu tư, thương mại song phương chưa thực sự tương xứng. Để tận dụng các cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng những chiến lược thích hợp, chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu và Pháp.

“Chúng ta cũng cần triển khai nhiều biện pháp để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp cũng cần các chiến lược bài bản hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để phát huy được sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và tranh thủ thị trường Việt Nam để vươn ra khu vực”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Khi quy trình sản xuất, chế biến tại Việt Nam được nâng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn EU; được hậu thuẫn bởi môi trường quan hệ ngoại giao nồng ấm với nhiều cam kết thực chất, hợp tác song phương Việt - Pháp chắc chắn sẽ vươn tới nhiều thành quả lớn hơn.

Trương Khắc Trà